Chủ nhật, 18/10/2009, 21h10

Giáo dục bậc tiểu học ở ĐBSCL: Chất lượng yếu kém, giáo viên bươn chải đủ nghề

Lớp học tại một xã vùng sâu tỉnh Kiên Giang

Trong những năm qua, ngành GD-ĐT các tỉnh ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực và những bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu, nhiệm vụ và so sánh với bình quân chung cả nước cũng như các vùng khác thì GD-ĐT của ĐBSCL còn kém phát triển, có nhiều bất cập.
Thực trạng giáo dục tiểu học ĐBSCL
Một trong những nguyên nhân dẫn đến trình độ đội ngũ giáo viên tiểu học (GVTH) của ĐBSCL còn hạn chế là do chưa được đào tạo bài bản qua trường lớp sư phạm. Qua khảo sát, thực tế vẫn còn nhiều GV có trình độ BTVH và chưa qua đào tạo sư phạm. Trong số 98,2% GV được đào tạo qua các trường ĐH, CĐ thì số được học ĐH Sư phạm có một tỷ lệ đáng kể học hệ tại chức. Cùng với trình độ GV, một thực trạng đáng chú ý là lực lượng GV tại chỗ mỏng. Chẳng hạn như Kiên Giang là một trong hai tỉnh có 5 trường được khảo sát nhưng GV tại chỗ chỉ có 11 người, còn lại là GV từ nơi khác đến, trong đó riêng GV Thái Bình là 18 người.
Hiện nay, hoàn cảnh làm việc và sinh sống GVTH ở các tỉnh ĐBSCL còn khá khó khăn. Theo khảo sát, mỗi GV phải nuôi trung bình là 2,9 người (kể cả bản thân), trong đó số phải nuôi 5 người trở lên chiếm 11,9%, nuôi 4 người 16,8%, 3 người 30,2%, 2 người 31%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gần 90% GV sẽ sống chật vật nếu chỉ dựa vào đồng lương GVTH. Vì vậy, rất nhiều GV ở khu vực này ngoài việc dạy học, họ còn phải làm thêm ngoài giờ để đảm bảo cho cuộc sống của mình và gia đình. Theo khảo sát, có 25% GV phải làm ruộng, 2,1% phải dạy thêm, 0,7% vừa làm ruộng vừa dạy thêm, 10% làm dịch vụ khác. Đặc biệt, điều đáng chú ý mà đề tài đã khảo sát là còn 4,3% GV sống trong hoàn cảnh chưa có điện và một nửa số GV không có bàn làm việc tại nhà. Hoàn cảnh này là một điều rất hạn chế đối với công việc soạn giáo án cũng như nâng cao năng lực nghiệp vụ của GV. Cuộc sống đã ảnh hưởng rất nhiều đến công tác giảng dạy của GV, vì vậy điều mà các cơ quan ban ngành cần phải quan tâm ở đây chính là làm thế nào để nâng cao chất lượng đời sống cho GV để nâng cao hiệu quả dạy học.
Bộ GD-ĐT đã có nhiều chiến lược và dự án để phát triển giáo dục tại khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, công tác giáo dục TH tại vùng này còn nhiều hạn chế. Trong đó, việc phổ cập giáo dục TH, xóa mù chữ còn ở mức rất thấp, công tác thực hiện nhiệm vụ này gặp rất nhiều khó khăn vì GV đều thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu nhận thấy: cơ sở vật chất cho việc dạy học còn thấp, khoảng cách trường xa không thuận lợi cho việc đi lại của HS, thiếu lớp dẫn đến sĩ số lớp đông, chất lượng giảm sút. Một số điều kiện cần thiết để thay đổi phương pháp giảng dạy chưa cao. Nếu coi công nghệ thông tin và ngoại ngữ là các phương tiện cần thiết để đổi mới phương pháp giảng dạy thì đây là khâu yếu nhất đối với GV ĐBSCL mà đề tài đã khảo sát. Trong quản lý, nhiều nơi chưa theo dõi và bám sát việc đi học của học sinh (HS), dẫn đến HS nghỉ học hoặc lưu ban không được can thiệp giúp đỡ kịp thời để đi học lại. Kinh tế chung của vùng ĐBSCL phát triển nhưng nhiều hộ dân vẫn còn nghèo, dân trí chưa cao nên ảnh hưởng đến việc động viên và đầu tư học tập cho con em. Sự liên hệ giữa phụ huynh, GV và nhà trường chưa chặt chẽ và chưa tạo được lực đẩy giúp đỡ GV và HS dạy tốt, học tốt. 
Theo ý kiến của cán bộ quản lý, khó khăn cho việc đổi mới phương pháp dạy và học của GV là hiện giờ GV và nhà trường còn bị áp lực chỉ tiêu về thành tích, phương pháp dạy học TH hiện nay còn thiếu tính sáng tạo và không thích khả năng sáng tạo của HS. Điều kiện làm việc của GV quá thiếu thốn, đặc biệt ở vùng nông thôn, phụ huynh ít có khả năng đóng góp kinh phí cho nhà trường. Ngân sách Nhà nước chi cho cơ sở vật chất trường còn hạn chế. Nhiều HS yếu kém cũng là khó khăn để áp dụng các phương pháp dạy học mới. Tuy nhiên, việc thay đổi phương pháp tích cực sẽ nâng cao hiệu quả học tập của HS.
Một số giải pháp
GV có vai trò quyết định đối với nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, qua khảo sát thực trạng đội ngũ GVTH ĐBSCL, đề tài nhận thấy, muốn nâng cao năng lực GV cần thiết phải thực hiện được hai vấn đề: GV phải có mức lương đủ sống để nuôi gia đình mà không phải làm thêm việc khác và GV phải được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thiết thực để nâng cao tay nghề.
Trước hết, nâng cao chất lượng đội ngũ GVTH cần phải theo sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Đồng thời, cần bồi dưỡng GVTH bằng những công việc cụ thể. Các giải pháp này đã được nhóm nghiên cứu đề tài thử nghiệm tại 16 lớp, 4 trường TH tại hai tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang và đem lại những kết quả đầy hứa hẹn. Cụ thể, đó là việc cải tiến phương pháp dạy học và xây dựng quy trình dạy học sinh yếu kém (HSYK).
Đối với việc cải tiến phương pháp dạy học, theo ý kiến đề xuất của nhóm, cần trả HS về đúng vị trí trung tâm của dạy học. Để làm được việc này, người thầy phải cùng lúc thực hiện 4 nhiệm vụ cụ thể: giao việc cho HS (HS làm việc cá nhân hoặc theo nhóm), kiểm tra HS (nhắc nhở, tháo gỡ thắc mắc của HS trong quá trình làm bài), tổ chức cho HS báo cáo kết quả công việc và tổ chức đánh giá kết quả.
Cùng với việc xác định lại vị trí trung tâm của HS, theo ý kiến của nhóm nghiên cứu, cần tạo môi trường học tập vui, hiệu quả cho HS bằng cách chuyển các câu hỏi, bài tập trong SGK thành những trò chơi. 
Tình trạng học sinh yếu kém hiện còn khá phổ biến ở các trường TH ở các tỉnh ĐBSCL. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là HS bị mất căn bản ở lớp dưới nhưng vẫn được lên lớp. Trên cơ sở khảo sát thực trạng dạy và học ở một số trường TH vùng ĐBSCL, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 6 quy trình cho việc dạy học nhằm giải pháp giúp HSYK bậc TH nâng lên trình độ trung bình, đó là: kiểm tra bài cũ, chuẩn bị hoạt động dạy – học, giảng bài mới, luyện tập, tự kiểm tra – đánh giá, hướng dẫn học ở nhà.
Cùng với những biện pháp nói trên, muốn nâng cao chất lượng giáo dục ĐBSCL cần tăng cường thiết bị cho dạy và học. Đặc biệt, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại… tạo điều kiện cho GV truy cập tài liệu, thông tin. Bên cạnh đó, cần xây dựng khối cộng đồng giáo dục: nhà trường – gia đình – xã hội, hỗ trợ, tạo điều kiện cho GV thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp quản lý, sự nỗ lực bản thân GV là yếu tố vô cùng quan trọng. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đời sống nhưng GV vẫn có thể giảng dạy theo hướng đổi mới giúp HS chủ động học tập. Bên cạnh đó, GVTH cũng cần tự bồi dưỡng trình độ chuyên môn, chủ động cập nhật trình độ thông tin, hình ảnh để bài giảng thêm sinh động.
Công trình nghiên cứu “Các giải pháp bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiểu học đồng bằng sông Cửu Long” do TS. Nguyễn Thị Quy chủ nhiệm và Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Phổ thông thực hiện đã phần nào thể hiện bức tranh dạy và học ở bậc giáo dục tiểu học tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Từ thực tế này, công trình nghiên cứu cũng đưa ra một số giải pháp giúp giáo viên tiểu học nâng cao chất lượng giảng dạy.
 
DƯƠNG BÌNH