Thứ năm, 15/12/2011, 05h12

Sáng kiến nâng cao chất lượng giáo dục

Phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" (THTT, HSTC) do Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) phát động đã thu hút sự tham gia đông đảo của toàn ngành GD và ÐT cùng nhiều ban, ngành, đoàn thể. Với những sáng kiến mới, kinh nghiệm hay đang được nhân rộng giúp nâng cao chất lượng giáo dục ở khắp các địa phương.
Theo Bộ GD và ÐT, trong thực hiện phong trào THTT, HSTC có sự chủ động phối hợp giữa các ngành, các tổ chức ở địa phương và gia đình trong việc giáo dục kỹ năng sống, thông qua các hoạt động của học sinh. Ðiển hình tại Hà Nội, thực trạng văn hóa giao tiếp, ứng xử, nếp sống văn minh, xây dựng người Hà Nội văn minh - thanh lịch hiện đang là mối quan tâm của các nhà quản lý, nhà giáo dục và của toàn xã hội. Thực hiện phong trào xây dựng THTT, HSTC, Sở GD và ÐT đã xây dựng bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh" cho học sinh để đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông. Bộ tài liệu giúp cho học sinh tìm hiểu, kế thừa, phát huy truyền thống thanh lịch văn minh cùng những văn hóa đặc trưng của người Hà Nội, từ đó làm thay đổi nhận thức, hành vi sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử để các thế hệ người Hà Nội ngày càng văn minh - thanh lịch. Tại Trường THPT Quang Trung (Hà Nội), nơi thí điểm dạy chương trình giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch của Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Ðoàn Ðức Hạnh cho biết: Thông qua chương trình giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch, học sinh nhà trường đã tìm hiểu, kế thừa, phát huy truyền thống thanh lịch văn minh cùng những nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội, từ đó làm thay đổi nhận thức, hành vi sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử. Tình trạng nói tục, chửi bậy trong học sinh gần như không còn; các em luôn luôn ý thức chào hỏi thầy cô, người lớn tuổi, ứng xử nhã nhặn với bạn bè. Theo Sở GD và ÐT Hà Nội, 100% số ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên và hơn 90% số ý kiến của phụ huynh học sinh đồng tình cho rằng đây là tài liệu cần thiết cho học sinh hiện nay. Ðáng chú ý, 100% số học sinh cho biết nội dung tài liệu có tác dụng tốt với bản thân.
Không chỉ riêng Hà Nội mà nhiều địa phương khác cũng có những cách triển khai phong trào sáng tạo khác nhau. Ðáng chú ý, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội và sự bùng nổ thông tin, đã có rất nhiều luồng văn hóa, tư tưởng được du nhập vào Việt Nam. Trước thực trạng trên, các trường học đã chú trọng đến các phương pháp nhằm tăng cường rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em học sinh tự tin khi bước vào cuộc sống tương lai. Thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD và ÐT, Trường THCS Hương Sơn (Lạng Giang, Bắc Giang) đã đưa mô hình câu lạc bộ tự nguyện - một trong những biện pháp giáo dục kỹ năng sống để tiếp cận với học sinh. Ở đó tập hợp học sinh có cùng sở thích, được tự do trao đổi ý kiến của mình, giúp các em tìm hiểu sâu sắc về kỹ năng sống như biết mình có khả năng, mong muốn điều gì và biết cách đạt được những mong muốn đó... Các nhu cầu này không chỉ được hình thành trong các hoạt động học tập chính khóa mà còn thông qua các hoạt động ngoại khóa. Phong trào đã tạo điều kiện thuận lợi để mỗi học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, tính năng động, linh hoạt và những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Thông qua hoạt động của câu lạc bộ ngăn chặn học sinh tham gia trò chơi điện tử có nội dung bạo lực, không lành mạnh ở trong và ngoài trường học; mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh đã thân thiện, cởi mở hơn trước rất nhiều. Học sinh đã có tiến bộ nhiều trong giao tiếp, tự tin khi học tập và rèn luyện, vui chơi.
Trường THCS Nguyễn Trãi (Xuân Lộc, Ðồng Nai) thường xuyên có khoảng 40 học sinh bỏ học. Vì vậy, để học sinh tích cực đến trường học tập chuyên cần, trường đã xây dựng chương trình Homestay thân thiện và yêu thương bao gồm ba giai đoạn: thân thiện và yêu thương, cùng giúp bạn đến trường, thắp sáng những mơ ước. Chương trình được thực hiện theo mô hình của Nhật Bản, nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lịch sử, truyền thống; giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường, chăm ngoan học tập... Kết quả, phong trào đã nhận được sự tham gia tích cực của giáo viên, học sinh và phụ huynh, đoàn thể địa phương. Chỉ trong một năm học, đã giúp đỡ được hơn 80 học sinh có hoàn cảnh khó khăn học tập chuyên cần, không bỏ học.
Có thể nói, phong trào THTT, HSTC đã có sức lan tỏa sâu rộng với hàng loạt các sáng kiến của các thầy giáo, cô giáo, học sinh cũng như các trường, các địa phương nhằm tạo nên những cú huých nâng cao chất lượng GD và ÐT. Theo TS Trần Ðình Châu, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng THTT, HSTC, phong trào không chỉ dừng lại về mặt nhận thức mà còn được triển khai rộng khắp 63/63 tỉnh,  thành phố với tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông. Các nhà trường đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động, phong trào để nâng cao chất lượng giáo dục. Chính vì vậy, việc triển khai phong trào ở các địa phương đã đạt được những kết quả tốt và đi vào chiều sâu, tỷ lệ các trường tham gia phong trào ngày càng tăng, tạo nên những đổi mới quan trọng trong nâng cao chất lượng dạy và học.
 
Theo THÀNH SƠN, THÚY QUỲNH
(NDĐT)