Thứ tư, 4/8/2010, 15h08

Giáo dục truyền thống cho thiếu nhi bằng âm nhạc

Tiết mục Truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương đoạt giải A (ảnh: NTN TP cung cấp)

Sau gần hai tháng diễn ra trong không khí thật sôi nổi, sáng 1-8, Liên hoan sân khấu hóa, hợp xướng, nhạc cảnh va Liên hoan thiếu nhi hè 2010 do Trung tâm Văn hóa TP và Nhà Thiếu nhi TP phối hợp tổ chức đã kết thúc thành công. Có thể nói, liên hoan là một sân chơi âm nhạc lành mạnh dành cho các em thiếu nhi trong dịp hè, đồng thời giáo dục truyền thống và bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho các em.
Sân chơi ngày càng lớn mạnh
Với chủ đề “Về nguồn” hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, liên hoan dành cho khối chuyên các nhà thiếu nhi và khối phong trào đã thu hút sự tham gia của 23 đơn vị với 24 chương trình, tiết mục rất đa dạng, phong phú về thể loại như đơn ca, độc tấu, hòa tấu, song - tam - tứ ca, tốp ca, hợp ca, ca múa… của gần 1.400 diễn viên nhí biểu diễn. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 85 giải thưởng cho các đơn vị. Trong đó, khối chuyên các nhà thiếu nhi có 7 giải A, 8 giải B, 7 giải C và giải khuyến khích; 61 giải dành cho khối phong trào. Với thể loại sân khấu hóa, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên quận Bình Thạnh, Nhà Thiếu nhi quận 7, Gò Vấp, Thủ Đức đã đạt giải A. Anh Dương Đức Minh - Phó giám đốc Nhà Thiếu nhi TP cho biết: “Sự tham gia đông đảo của các nhà thiếu nhi và khối lượng giải thưởng “khổng lồ” đã cho thấy sự lớn mạnh của liên hoan năm nay. Đặc biệt là đội ngũ các anh chị làm công tác nghiệp vụ tại các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu niên đều được học qua các lớp “Dàn dựng chương trình sân khấu hóa” và “Bồi dưỡng nâng cao về múa dân gian dân tộc” nên đã mạnh dạn sáng tạo, đem những kiến thức đã học áp dụng vào thực tế từng quận - huyện. Vì thế, hầu hết các chương trình, tiết mục tham gia đều được đầu tư, chăm chút rất kỹ lưỡng, không có sự vay mượn, rập khuôn gây nhàm chán cho khán giả…”.
Nghệ sĩ Khánh Hoàng - Trưởng ban giám khảo đánh giá: “Các tiết mục dự thi không có khoảng cách nhiều, sự lặp lại các ca khúc cũng giảm hẳn. Thể loại múa có sự tiến bộ rõ rệt về ngôn ngữ, nội dung và âm nhạc, nổi bật lại là những động tác múa có nét dân tộc rất đáng yêu… Phần trang phục trong các tiết mục sân khấu hóa phù hợp với lứa tuổi các em nên tạo được màu sắc riêng, điều này chứng tỏ trình độ thẩm mỹ chung của đơn vị đã được nâng lên một bước”.
Những ấn tượng để lại
Nét mới của liên hoan năm nay là sự có mặt của các chương trình sân khấu hóa, hợp xướng, nhạc cảnh mang đậm tính giáo dục truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên quận Bình Thạnh đã chinh phục toàn bộ Ban giám khảo và khán giả với chương trình sân khấu hóa Truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương. Các tiết mục Trần Quốc Toản, Thánh Gióng, Lương Thế Vinh, Chúa tể muôn loài… của các đơn vị khác cũng hoành tráng và công phu không kém… Anh Tấn Phát - Quản lý đội ca múa Nhà Thiếu nhi quận 1 cho biết: “Sự đổi mới của liên hoan năm nay không chỉ tạo cho các em sự háo hức mà chính những người phụ trách cũng nỗ lực không ngừng để dàn dựng các tiết mục độc đáo, hấp dẫn nhất phục vụ khán giả nhí. Thông qua đó, góp phần giáo dục các em truyền thống yêu nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, hiếu học, hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và yêu thương giúp đỡ bạn bè. Các em đã thực sự phát huy hết năng khiếu của mình…”. Liên hoan đã đem đến cho người xem nhiều điều ngạc nhiên, thú vị. Đó là sự vươn lên, tiến bộ rõ nét của các quận - huyện vùng xa như Hóc Môn, Bình Chánh, Tân Phú, quận 7, Cần Giờ…, mặc dù điều kiện sinh hoạt nghệ thuật còn nhiều thiếu thốn nhưng các đơn vị đã cố gắng dàn dựng những chương trình bám sát chủ đề, mới lạ, và cũng khá hoành tráng. Em Mỹ Hằng - Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên quận Bình Thạnh bộc bạch: “Đây là năm thứ hai em được góp mặt trong liên hoan, được thể hiện các nhân vật lịch sử, truyền thuyết mà em từng học trong sách vở nên em rất hào hứng. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để năm sau tiếp tục được chọn tham gia…”. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều đơn vị có sự trau chuốt về phối âm, phối khí thì còn một vài trường hợp phối bè chưa có hiệu quả, dẫn đến việc các em hát lạc giọng, lạc điệu hay một vài chương trình còn hơi dài so với quy định của Ban tổ chức. Điều này các đơn vị cũng đã rút kinh nghiệm để năm sau khắc phục tốt hơn…
T.Giang

Liên hoan đã kết thúc nhưng sự hân hoan vẫn còn đọng lại trên gương mặt ngây thơ của từng diễn viên nhí tham gia cũng như các khán giả nhí thưởng thức chương trình. Sân chơi này thật sự để lại cho các em ấn tượng khó quên trong những ngày hè trước khi bước vào năm học mới.