Thứ tư, 3/10/2012, 10h11

Câu cá bằng mồi độc

Một cần thủ đang chế biến mồi
Sau nhiều ngày lân la với các cần thủ, tôi đã có cơ hội “vạch mặt” chiêu trò của những cần thủ nổi tiếng từng “rinh” nhiều giải thưởng lớn ở các hồ câu cá khắp miền Đông Nam bộ và TP.HCM.
Cá cắn câu nhờ “mồi bén”
Sáng cuối tuần, tôi cùng một tay câu “nửa mùa” có mặt ở hồ câu cá Xuân Thọ (xã Hưng Long, huyện Bình Chánh).Theo lịch, hôm ấy có câu giải (câu cá lấy giải thưởng), với tổng giải thưởng trong ngày lên đến 30 triệu đồng. Hơn 20 cần thủ đã có mặt từ trước. Từng gặp nhau vài lần ở những buổi câu giải ở các ao thuộc địa bàn huyện Nhà Bè, thấy tôi, Hùng - cần thủ mới vào nghề chừng 3 năm nói như mách: “Sáng sớm phải mất gần 300 ngàn tiền mồi, không biết có thu lại được gì không?”. Tôi trấn an: “Có quyền hy vọng!”. Hùng lại tự an ủi mình: “Không mong lấy giải đâu ông à, chỉ cầu câu được vài ký cá bán gỡ lại tiền mồi là đủ rồi, vui là chính”.
 “Chẳng có thằng nào tài giỏi đâu. Chẳng qua nhờ mồi “bén” nên hút cá thôi anh ạ”, Tuấn - một cần thủ đến từ Q.Tân Phú nói. Hỏi bí quyết chế biến mồi câu, Tuấn cười sảng khoái rồi hất hàm chỉ về phía một cần thủ đang loay hoay bên kia ao, nói: “Qua hỏi thằng đó, nó là thầy của tui. Chỉ trong vòng 2 năm mà nó rinh nhiều giải giờ, giải cá chép và giải cá tra với tổng số tiền trên dưới 200 triệu đồng”. Chiếc ba lô đồ nghề của Tuấn đang mở toang có hơn chục hộp nhỏ và cũng ngần ấy bao nilon. Hộp màu đen, vàng, xám… bao thì chứa loại nước màu trắng đục, bao đặc quánh, bao đựng thứ nước lỏng đen ngòm như nước cống. Tôi tò mò hỏi thì Tuấn cho biết đó là những “nguyên liệu” để pha mồi. Hỏi cụ thể thứ gì trong đó thì Tuấn lắc đầu, nói: “Bí mật”. Tôi thử cầm một chiếc keo nhựa bé tí lên ngắm nghía, chuẩn bị vặn nắp thì bị Tuấn ngăn, kéo dây kéo ba lô lại.
Người đàn ông mà Tuấn bảo là “thầy” của mình tên Hòa, cần thủ ở đây thường gọi anh bằng cái tên sặc mùi nghề nghiệp: Hòa “sát cá”. Hòa chẳng giấu khi tôi đề cập bí quyết chế biến mồi câu. Anh ta làm một tràng cứ như chuyên gia: “Anh muốn câu loại cá nào? Mỗi loại đều có mồi đặc trưng. Câu một thời gian phải thay đổi hương vị của mồi, nếu không cá quen mùi mà chẳng thèm cắn câu nữa”. Theo lý giải của Hòa, cá tra là loài cá nổi tiếng ăn tạp nhưng không phải thứ mồi nào nó cũng ăn, nhất là khi sáng sớm chủ ao đã cho cá ăn no, vì thế phải có mồi “độc”. Mồi “độc” theo Hòa cũng được làm từ cơm, cháo, cám, hương vani, sữa em bé, đường, bột… và trộn thêm một ít a quỳ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, a quỳ là một vị thuốc có bán tại các cửa hàng thuốc đông nam dược. A quỳ có màu đen, cứng, trước khi chế biến chỉ cần gọt một miếng nhỏ cho vào nồi đun sôi. Sau đó lấy nước trộn hoặc dùng bông gòn thấm vào mồi khi đã móc vào lưỡi câu. “Mồi a quỳ mà câu không được cá thì bẻ cần”, Hòa khẳng định.
Theo Hòa, bí quyết làm mồi từ a quỳ xuất phát từ một cần thủ bốc thuốc đông nam dược có tiếng ở Chợ Lớn. Mặc dù ông ta rất kỹ, giấu nghề khư khư nhưng cũng không qua mặt được dân trong nghề. Từ đó, các cần thủ truyền miệng mua a quỳ về làm mồi. Hòa cho biết thêm: “Ở miền Tây nhiều người chuyên bắt rắn cũng mua a quỳ để làm mồi dụ rắn. A quỳ có mùi tanh, hôi kinh khủng, rắn rất khoái. Rắn nghe mùi a quỳ trong nhà, nó không vào mới lạ”.
A quỳ rất độc

Mồi “độc” được chế biến từ a quỳ

Theo lương y Nguyễn Mạnh Hải, Hội Đông y TP.HCM, a quỳ rất độc, làm phân hủy thực phẩm cực nhanh và có mùi rất khó chịu. Nếu a quỳ dính vào tay thì rửa thế nào cũng còn mùi lưu lại một thời gian dài. Nếu tiếp xúc với a quỳ mà không cẩn thận (hít nhiều lần, dính vào cơ thể…) sẽ rất nguy hiểm. Khi được hỏi a quỳ được làm từ nguyên liệu gì thì ông Hải lấy lý do bận việc phải đi gấp, không thể trả lời.
Qua những cần thủ mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, a quỳ là thịt xác chết thối rữa được cô đặc, có mùi thối đến nôn ói. Các cần thủ còn cho biết, khi nấu a quỳ với nước sôi phải đem bếp gas lên sân thượng hoặc tìm một nơi nào đó trống trải vì mùi a quỳ bốc lên ám khắp nơi. Nếu là a quỳ nguyên chất dính vào tay thì có thể gây lở loét. Chủ ao câu cá Ban Mai, Q.7 tên Thành cũng là một cần thủ nhiều năm kinh nghiệm khuyên không nên dùng khi tôi giả vờ tìm hiểu về nguồn gốc cũng như địa chỉ bán a quỳ. Thành bảo: “Người ta câu cơm gạo thì sử dụng nó, còn mình câu chơi, kiếm vài con cá về làm nồi lẩu lai rai cuối tuần thì dại gì làm vậy, không khéo rước họa vào thân”.
Theo kinh nghiệm của cần thủ Hòa, con cá nào dính câu (ăn mồi có tẩm a quỳ) mà bị chết thì thịt của chúng mau phân hủy hơn mồi câu bình thường. Điều đó có nghĩa là chất độc có trong a quỳ mau ngấm vào thịt cá, người ăn phải không thể lường trước hậu quả.
Bài, ảnh:  Trần Anh