Thứ năm, 27/4/2017, 21h38

Quá khó để giáo viên được thăng hạng

Ngày 26-4, tại TP.HCM, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã phối hợp với Sở GD-ĐT TP tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp thông tư quy định điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên (GV) mầm non (MN), phổ thông công lập.

Tại đây, nhiều nhà giáo cho rằng điều kiện để được xét thăng hạng như tham gia biên soạn chương trình, giám khảo các cuộc thi cấp huyện trở lên, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… mà dự thảo thông tư đưa ra là quá khó đối với GV.

Tiêu chuẩn quá cao

Cô Võ Thị Minh Tâm, GV Trường MN Thủy Tiên 2, huyện Bình Chánh cho rằng: “Với GV MN, các tiêu chuẩn, nhiệm vụ để được xét từ hạng III lên hạng II là quá cao. Chẳng hạn, phần nhiệm vụ (chiếm 5 điểm) yêu cầu GV MN tham gia biên tập hoặc biên soạn nội dung tài liệu bồi dưỡng GV từ cấp huyện trở lên, hay làm ban giám khảo các hội thi MN cấp huyện trở lên thì chỉ có những thành viên cốt cán như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mới được xét tham gia”.

Tương tự, ở bậc tiểu học (TH), đại diện Trường TH Bàu Sen, Q.5 cho rằng: GV TH muốn được xét thăng từ hạng III lên hạng II phải thực hiện một trong những nhiệm vụ như tham gia biên soạn chương trình thì đối với một GV bình thường rất khó để tham gia. Hơn nữa, việc tham gia ban giám khảo hội đồng thi GV dạy giỏi hay là GV chủ nhiệm hoặc tổng phụ trách Đội giỏi cấp huyện trở lên thì không đến lượt… GV. Những hội đồng thi này chủ yếu mời hiệu trưởng hoặc chuyên viên tham gia. Về phần tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, mỗi năm trường chỉ được xét 5-7 người là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (15%), ban giám hiệu đã chiếm phần lớn nên GV rất ít người được.

Sợ ngoại ngữ làm chùn bước phấn đấu

Nâng hạng để khẳng định vị thế

Ông Trần Duy Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho biết: Thông tư mới quy định điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV MN, phổ thông công lập sẽ tác động đến đông đảo GV các trường công lập, trong đó MN khoảng 300.000 GV, TH khoảng 360.000 GV, THCS khoảng 320.000 GV, THPT khoảng 150.000 GV. Việc thăng hạng này không chỉ tạo điều kiện cho GV nâng bậc lương mà còn là để khẳng định vị thế, thương hiệu của GV, của nhà trường. 

Tại hội thảo, nhiều GV băn khoăn, lo lắng về yêu cầu ngoại ngữ trong việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp. “GV lớn tuổi rất khó thay đổi trình độ ngoại ngữ. Chẳng hạn, tôi là một GV dạy toán có năng lực chuyên môn tốt nhưng ngoại ngữ lại rất tệ nên phấn đấu nâng hạng rất khó. Bộ GD-ĐT nên xem lại phần này vì nếu đưa ra tiêu chuẩn mà GV không có khả năng làm được thì động lực phấn đấu càng chùng xuống. Nên đưa ra các mức tiêu chuẩn gần hơn, GV có thể đạt được để họ phấn đấu từng bước”, thầy Mai Hồng Thanh - GV Trường THCS Tô Ký, huyện Hóc Môn.

Về vấn đề này, ông Đặng Văn Bình (Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) cho biết: “Ngoại ngữ là kỹ năng nền tảng để hỗ trợ cho chuyên môn, để GV nghiên cứu tài liệu. Hiện nay, học sinh TH đã học tiếng Anh nên người thầy cũng phải cập nhật chứ không chỉ làm tròn vai là được”.

Tuy nhiên, thầy Hồng Thanh cho rằng, GV mới ra trường, hưởng lương tập sự 85%, 3 năm sau được nâng lên 1 bậc thì số tiền hưởng thêm cũng không đáng kể. Dù nhà trường có tạo điều kiện cho GV bồi dưỡng, GV cũng lo chuyện cơm áo gạo tiền nên khó khăn trong việc đầu tư tài chính để nâng cao năng lực ngoại ngữ.

Chia sẻ với thầy Thanh, ông Bình cho rằng: “Đây là khó khăn chung, GV muốn thăng tiến thì phải không ngừng nâng cao trình độ. GV có thể tự học, tự bồi dưỡng trên mạng…”.

Một thực tế nữa là để thăng hạng, GV tiếng Anh phải có tiêu chuẩn ngoại ngữ thứ 2. Theo đó, đối với bậc THCS, GV dạy ngoại ngữ phải có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ thứ hai bậc 2. Cô Lê Thị Mai, GV Trường THCS Cù Chính Lan, Q.Bình Thạnh chuyển công tác giảng dạy từ một huyện ở tỉnh Thanh Hóa về TP.HCM dạy gần 1 năm nay băn khoăn: “Yêu cầu ngoại ngữ 2 đối với GV dạy ngoại ngữ liệu có quá cao? TP.HCM còn có nhiều trung tâm dạy các thứ tiếng như tiếng Pháp, Nhật, Đức… nhưng các tỉnh lẻ, đặc biệt vùng núi thì GV muốn bồi dưỡng phải đi rất xa. Chưa kể, rất ít trung tâm có thẩm quyền cấp chứng chỉ trình độ B, C cho ngoại ngữ 2”.

Minh Châu