Thứ năm, 24/10/2013, 22h10

Quá nhiều “sạn” trong sách văn mẫu

Hiện nay có nhiều sách văn mẫu dành cho học sinh tiểu học được biên soạn cẩu thả (ảnh minh họa). Ảnh: A. Khôi

Thời gian qua dư luận đã phản ánh nhiều về việc học sinh tiểu học làm văn theo kiểu máy móc - giáo viên chỉ biết dạy các em học thuộc các bài văn mẫu để áp dụng vào bài kiểm tra, bài thi mà không biết sáng tạo trong cách diễn đạt, để rồi sản phẩm tạo ra giống hệt đến bất ngờ...
Theo tôi, hiện nay không chỉ học sinh tiểu học mà ngay cả học sinh THCS và THPT vẫn có nhiều em không biết diễn đạt câu trọn ý, viết lan man, lủng củng, dẫn chứng bài văn thì “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến các sách bài văn mẫu cũng góp phần khi mà các em tham khảo rồi copy theo; nếu gặp phải sách biên soạn có nội dung cẩu thả thì càng tệ hại, thui chột thêm sức sáng tạo trong học văn.
Mới đây, trường tôi có nhân viên tiếp thị đến chào bán một số sách cho học sinh tiểu học, trong đó có quyển Tuyển chọn 300 bài văn hay và 160 bài văn mẫu dành cho học sinh các khối 2, 3, 4, 5 của Nhà xuất bản ĐH S. Tôi thử điểm sơ nội dung trong sách thì thấy có các lỗi như sau:
Dùng từ không đúng thực tế
Đề: Kể về con vật em nuôi trong nhà mà em biết (lớp 2 trang 15). Bài làm trong sách ghi: Chú gà trống nhà em rất xinh.Bộ lông màu đỏ bóng loáng. Đôi đùi chắc nịch. Gần sáng, chú cất tiếng gáy vang báo cho mọi người thức giấc đem hàng ra chợ… Theo tôi, màu sắc lông con gà không đúng, và mọi người đâu phải ai nghe tiếng gà gáy là dậy đem hàng ra chợ; ví dụ bác nông dân ra đồng cày ruộng, chị công nhân chuẩn bị đi làm, học sinh dậy học bài… Hoặc có bài viết: …mỗi khi em chấm mực để viết, một nửa ngòi bút đẫm màu mực tím (lớp 3 trang 46). (Học sinh bây giờ đâu còn em nào sử dụng viết chấm mực trong bình).
Đề: Kể về một người trí thức mà em kính trọng  (lớp 4 trang 63). Bài làm trong sách ghi: …Cụ Phạm Quang Thanh. Năm nay 95 tuổi… mặt vuông chữ điền… Hàm răng cụ còn nguyên không rụng cái nào. Theo tôi, đã dùng từ vuông lại còn chữ điền, ông cụ 95 tuổi không rụng một cái răng nào là chuyện không thực tế.
Dùng dấu câu không đúng chỗ
Đề: Dưới đây là tên một số anh hùng dân tộc có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Em hãy nói về một vị anh hùng mà em biết rõ (lớp 3 trang 37). Bài làm trong sách ghi: ...Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ…). Theo tôi, đúng ra sau Trần Hưng Đạo dùng dấu đóng ngoặc đơn mới đúng.
So sánh từ khó hiểu
Bài làm trong sách ghi: Cây bút chì dài 18cm, thân tròn tựa như chiếc đũa bằng ngà voi (lớp 3 trang 45). Theo tôi, viết như chiếc đũa là đủ ý.
Giải thích tối nghĩa
Bài làm trong sách ghi: Thứ gỗ quý làm nên hàng triệu bút chì là sản phẩm của miền núi rừng nào trên đất nước ta dâng hiến?(lớp 3 trang 45). Theo tôi, chỉ cần viết thân bút chì được làm bằng gỗ quý là đủ ý.
Bài làm giống nhau gần 90%
Đề: Hãy nói về bản đồ của nước ta treo ở lớp (lớp 3 trang 46) và đề: Hãy tả bản đồ của nước ta treo ở lớp (lớp 4 trang 83). Hai bài làm giống nhau gần 90%, nhưng ở lớp 4 có kể thêm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa màu đỏ thẳm (nhưng từ Trường viết sai là Trườgn).
Sử dụng từ chưa sát nghĩa
Bài làm trong sách ghi: …ngồi vào bàn viết bài văn cho kịp nạp trong buổi học ban chiều (lớp 5 trang 117). Theo tôi, nên ghi: …Cho kịp nộp buổi học chiều.
Lỗi chính tả
Ngoài lỗi đánh máy nhầm Trường Sa thành Trườgn Sa, còn có từ bác (Bác Hồ) không viết hoa (lớp 5 trang 147).
Dùng từ không nhất quán
Đề: Em hãy kể lại một câu chuyện về Bác Hồ mà em được đọc được nghe (lớp 4 trang 106). Bài làm trong sách ghi: Hôm qua cháu mới phụ cô rửa li ạ! (lớp 4). Hôm qua cháu mới phụ cô rửaly ạ! (lớp 5) (lớp 5, trang 148). (Từ ly, li lúc dùng i lúc dùng y).
Trên đây chỉ là mấy “hạt sạn” mà tôi nhặt ra từ quyển Tuyển chọn 300 bài văn hay và 160 bài văn mẫu dành cho học sinh khối 2, 3, 4, 5 do Nhà xuất bản Trường ĐH S. phát hành và nộp lưu chiểu tháng 9-2012.
Trần Văn Tám
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)