Thứ hai, 24/10/2016, 14h15

Quà tặng du lịch Hà Nội là quái vật ba đầu?

Cuộc thi thiết kế mẫu quà tặng cho du lịch Hà Nội đã kết thúc. Nhiều người yêu văn hóa cổ cho rằng thiết kế được giải là một 'quái vật ba đầu'.
Cuộc thi sáng tạo quà lưu niệm mang dấu ấn Hà Nội đã kết thúc vào tháng 10, sau 6 tháng kể từ ngày phát động. Đã có nhiều mẫu thiết kế, ý tưởng thiết kế được trao giải như dùng tranh Bùi Xuân Phái in trên cốc và đồ vật khác, móc khóa lưu niệm về Hà Nội, dùng hình ảnh phố cổ trên trang sức... Giải nhất đã thuộc về thiết kế có tên Ngọn lửa rồng của tác giả Nguyễn Việt Hà.
Thiết kế Ngọn lửa rồng bị nhiều nhà nghiên cứu phản đối - Ảnh: Bình Nguyễn
Thiết kế Ngọn lửa rồng bị nhiều nhà nghiên cứu phản đối Ảnh: Bình Nguyễn
Cuộc thi do Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội và Sở Du lịch Hà Nội tổ chức với giải nhất là 30 triệu đồng và 1 tour du lịch 2 ngày tại Tản Đà Resort.
Thiết kế giải nhất được tạo hình dựa trên hình tượng rồng Lý với đầu và thân rồng uốn khúc rất đặc trưng. Điều này có thể nói là gần gũi với câu chuyện Thăng Long - rồng bay lên ở Hà Nội. Tuy nhiên, điều đáng nói là thiết kế giải nhất này ngay lập tức được nhiều người yêu mến mỹ thuật cổ mổ xẻ với hướng không bằng lòng.
“Mẫu sản phẩm Ngọn lửa rồng, giải nhất cuộc thi thiết kế mẫu lưu niệm Hà Nội 2016, được tạo hình với 3 đầu rồng thời Lý có chung một thân. Trong mỹ thuật truyền thống của người Việt không có hiện tượng rồng 3 đầu hoặc nhiều đầu, đặc biệt là mỹ thuật thời Lý lại càng không có hiện tượng này. Đối với người Việt, việc con vật có nhiều đầu là sự dị biệt, không bình thường”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình nêu ý kiến.
Chế biến di sản tùy tiện ?
Không chỉ có ông Bình, một nhà nghiên cứu khác là TS Trang Thanh Hiền cũng cho rằng lịch sử mỹ thuật VN chưa từng có con vật nào lắm đầu tương tự như hình tượng rồng ba đầu mới được trao giải. “Không thấy có con nào ba đầu như vậy cả”, bà Hiền cho biết.
Cũng theo ông Bình, trong tạo hình truyền thống người Việt không sử dụng biểu tượng rồng nhiều đầu thế này trong đời sống. Bên cạnh đó, quan niệm về rồng của người phương Tây là tượng trưng cho điều ác. Rồng có nhiều đầu đối với người phương Tây là biểu trưng của quái vật. “Nếu sản phẩm quà lưu niệm rồng có 3 đầu đến với người nước ngoài sẽ khiến họ hiểu không đúng về tinh thần và đời sống văn hóa của người Việt”, ông Bình nói.
Trong khi đó, họa sĩ - nhà nghiên cứu Lê Thiết Cương ngắn gọn: “Vấn đề là không đẹp. Chỉ là lắp ghép vớ vẩn”. Bà Hiền thì cho rằng đây là sự “chế biến” di sản một cách tùy tiện.
“Mẫu lưu niệm Hà Nội là sản phẩm quà tặng, là thông điệp, biểu trưng cho văn hóa Hà Nội nói riêng và VN nói chung, cho dù tác giả có sao chép và sáng tạo như thế nào đi nữa thì cũng phải dựa trên văn hóa của truyền thống dân tộc Việt. Chứ như thế này thì không được”, ông Bình nói.
“Một cuộc thi lãng phí”
Hiện cuộc thi không có cam kết về việc mang các tác phẩm được giải đưa vào sản xuất quà tặng. Điều này phần nào đó có cái may vì thiết kế giải nhất, theo ông Bình, là một phản ánh không đúng về văn hóa thủ đô. Họa sĩ Văn Huy Lê, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp, thậm chí còn cho rằng thiết kế được giải là “Sự sáng tạo quái gở về ý tưởng. Còn về thẩm mỹ thì như đồ lưu niệm rởm”.
Tuy nhiên, điều lớn hơn là vì sao một cuộc thi lại có chất lượng tác phẩm không cao, trong khi thực sự, Hà Nội vẫn đang thiếu quà lưu niệm mang bản sắc riêng. Anh Nguyễn Trí Quang, người đã số hóa nhiều công trình mỹ thuật cổ, đánh giá: “Các cuộc thi này nếu tổ chức công khai, rộng rãi (giải to một chút) và tôn trọng tác quyền thì sẽ có tác phẩm vừa sáng tạo vừa chất lượng ngay”.
Điều này làm nhiều người nhớ đến khi Hà Nội phát động cuộc thi thiết kế trang trí đường phố. Sở VH-TT Hà Nội khi ấy sẵn sàng ứng trước tiền cho nghệ sĩ tham gia, tuy nhiên, giải thưởng chỉ dừng ở mức 20 triệu đồng. Họa sĩ gạo cội Lê Huy Tiếp khi đó đã đứng lên nói: “Giá trị thiết kế ở đây sao mà nó bèo bọt thế. Đối với một thiết kế 3D, 2D với số tiền 10 triệu, 20 triệu cho 1 giải thưởng thì chẳng ai làm... Đánh giá công việc của họa sĩ thế là không được. Trong khi một cuộc thi logo bình thường cũng phải có giải thưởng thấp nhất 40 triệu đồng”.
Bản thân việc thi thiết kế trong khi chưa biết khả năng thị trường hóa ra sao cũng là điều chưa ổn. Còn nhớ, ở cấp Bộ, ngành văn hóa cũng từng tổ chức thi thiết kế quà tặng du lịch toàn quốc hồi những năm 2012.
Ông Trần Nhất Hoàng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến văn hóa, thể thao và du lịch, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL) khi đó cho biết muốn thoát khỏi tình trạng mẫu quà tặng chủ yếu dựa vào tư nhân vừa thiết kế vừa sản xuất, chất lượng không bảo đảm. Tuy nhiên, sau đó, bà Đoàn Hương, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Bộ VH-TT-DL cho biết khi cuộc thi đã có giải thưởng cũng không có doanh nghiệp nào nhận sản xuất cả. Nghĩa là thi thiết kế chỉ để... thi.
Lần này, với cuộc thi thiết kế ở Hà Nội, nguy cơ thi chỉ để thi cũng rất lớn. Theo ông Lê Thiết Cương, nếu sản xuất mẫu “quái thú ba đầu” thì cũng cầm chắc không bán được do quá xấu và kỳ quặc. “Một cuộc thi lãng phí”, ông Cương nói.
Cuộc thi Sáng tạo mẫu quà lưu niệm mang dấu ấn thủ đô được phát động vào tháng 4.2016. Sau 6 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 150 tác phẩm dự thi với 111 ý tưởng trên giấy và hơn 40 sản phẩm. Qua vòng sơ loại, ban giám khảo đã lựa chọn 11 tác phẩm vào vòng chung khảo.

Trinh Nguyễn (TNO)