Thứ tư, 30/3/2011, 17h03

Quản lý cảm xúc của tuổi teen

Tuổi teen cần có cách nhìn nhận đúng về cảm xúc của mình (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Lữ Đắc Long
Rất nhiều bạn tuổi teen của các trường THPT trên toàn quốc thường hỏi tôi rằng: “Làm thế nào để quản lý được cảm xúc của mình?”. Cảm xúc ấy có thể dành cho người bạn khác phái hoặc dành cho người thân trong gia đình. Nhân đây, tôi xin được chia sẻ với các bạn tuổi teen về vấn đề này.
1. Nhiều bạn teen hiện nay vẫn chưa xác định thế nào là “yêu” và “thích”. Chẳng hạn gặp một cô gái xinh xắn trên phố, bạn lập tức “ngẩn ngơ”, hay len lén nhìn anh lớp trưởng và thấy trái tim đập “loạn xạ”… Rồi bỗng nhớ nhung, thấy giận hờn khi ai kia lỗi hẹn. Bạn thấy vui vui khi có ai kia trong cuộc sống của mình. Chưa kịp “ngừng lại” để gọi tên tình cảm đó là gì, yêu hay chỉ là thích thì bạn đã bị lôi cuốn, choáng ngợp trong dòng cảm xúc trào dâng và cứ thế... trôi đi. Nếu cứ mãi “bé cái nhầm” như thế, hậu quả có lẽ là không nhỏ... Một số bạn trẻ ngày nay cứ ca cẩm “sống là không chờ đợi”. Điều này cũng có hai nghĩa, tốt và chưa tốt. Bạn không chờ đợi những cơ hội đến với mình mà dân 8X, 9X là phải biết tự tạo, tự tìm ra cơ hội cho chính mình để dấn thân, học hỏi và phát triển. Ngay cả trong chuyện tình cảm cũng vậy, không còn khái niệm “ngồi chờ” người yêu đích thực của lòng mình đến “gõ cửa”. Thời học sinh, sinh viên có một người để yêu, để thích cũng đẹp đẽ biết bao. Tuy nhiên, ranh giới giữa yêu và thích trong các bạn teen rất mỏng manh. “Thích” có thể là những tín hiệu ban đầu để bắt đầu một tình yêu đẹp, nhưng đôi khi thích chỉ dừng lại ở mức độ là thích và khó lòng đạt đến một “tình yêu đích thực”, song giới trẻ lại thường ảo tưởng và ngộ nhận tình cảm này để rồi hi sinh tất cả, kể cả bản thân mình... và cho rằng đó là thước đo, là giá trị của tình yêu. Hiểu rõ hơn giữa “yêu” và “thích”, chắc chắn rằng mỗi người sẽ có một cái nhìn mới để biết định hướng cuộc đời của mình. Điều này mãi là điều không bao giờ muộn.
Sẵn sàng bỏ học, bỏ gia đình, sẵn sàng dâng hiến cho một xúc cảm, tình cảm chưa đặt tên, liệu có đáng!? Hay các teen nghĩ rằng “dám yêu dám làm” như vậy mới “oách”, mới bản lĩnh, mới là tôn chỉ và cách sống của giới trẻ hiện đại. Chưa biết những tình cảm đó có đẹp, có hậu như trong các bộ phim Hàn Quốc hay không nhưng hậu quả của nó thì khôn lường. Vậy thì có nhất thiết phải vội vàng xây dựng tình cảm với người mà mình chỉ “thích thích”, vừa cảm thấy một chút “hợp gu”. Có cần phải dâng hiến ngay và gắn lên mình biết bao đau thương chỉ vì một phút buông thả trong xúc cảm giới tính. “Sống là không chờ đợi” nhưng không phải cơ hội nào đến cũng “chộp lấy”. Giới trẻ 8X, 9X năng động là người biết lựa chọn cho mình những cơ hội, điều kiện phù hợp và tốt nhất cho mình mà thôi.
2. Nếu việc “cho” và “nhận” là một qui luật thì trong tình cảm, việc “cho” và “nhận” lại là... “bất qui luật” nhất, quá trình này không phải lúc nào cũng hai chiều và tác động qua lại. Trong cuộc sống, người “cho” chúng ta nhiều nhất chính là ba mẹ và những người thân yêu của chúng ta nhưng đáng buồn thay, chúng ta ít “đáp lại” họ. Vì sao có sự mâu thuẫn này? Tại sao chúng ta ngại bày tỏ tình cảm với người ta thương yêu? Nhiều người không có thói quen bày tỏ cảm xúc, họ nghĩ rằng làm như thế là “sến”, là “bi lụy”, nên ngại bày tỏ tình cảm với những người thân yêu. Nhiều bạn trẻ ngày nay rất ít bộc lộ những cảm xúc yêu thương với ba mẹ mình. Họ cho rằng điều đó là không cần thiết, là “quê”. Họ có thể nói hàng ngàn lời có cánh, hàng trăm lời yêu thương, làm hàng vạn lần những hành động tuyệt vời để lấy lòng người yêu, chỉ mong được thấy nụ cười, niềm vui của người yêu còn với mẹ cha mình thì họ kiệm lời đến đáng sợ. Mẹ đã mất bao nhiêu năm trời để nuôi bạn khôn lớn, hi sinh cả cuộc đời cho bạn, thế mà đã khi nào bạn khen mẹ: “Mẹ khéo quá, mẹ thật tuyệt, hôm nay mẹ mặc đồ rất đẹp” hay không? Thậm chí, bạn dễ cáu gắt, cau có với những người thân yêu của mình khi họ vô tình làm cho bạn không hài lòng hoặc làm cho bạn “mất mặt” trước bạn bè. Trong mắt bạn bè, Linh (lớp 12 Trường THPT N.) là một cô gái thông minh, xinh đẹp, duyên dáng và “sành điệu”. Một lần, bạn bè đến nhà Linh chơi thì thấy một bác lớn tuổi, ăn mặc giản dị, tất tả lấy vài hũ mắm, vài nải chuối quê ra đưa cho Linh và mời bạn bè cô dùng. Khác với vẻ mặt hân hoan của mẹ, Linh tỏ thái độ bực dọc ra mặt và trách móc mẹ mình không giữ thể diện cho mình, thấy bạn bè Linh đến phải biết ý mà đi nơi khác vì Linh sợ mẹ làm xấu mặt mình và tất nhiên, trước mặt bạn bè “sành điệu”, một cô gái “tuyệt vời” như Linh không thể nào cần sự “yêu chiều” và “ngã vào lòng mẹ” được. Khi quan sát cách sống của nhiều bạn trẻ bây giờ, trường hợp giống như Linh không phải là hiếm. Các bạn sẵn sàng bảo vệ bản thân, bảo vệ bạn bè; các bạn muốn nâng tầm vị thế của mình, sự tự tôn, tự trọng của mình trước những người xa lạ nên dễ dàng bỏ qua cảm xúc, cảm nhận của người thân. Nhưng các bạn thường không biết rằng, những người thân yêu nhất của ta không ai có thể thay thế được. Tại sao bạn lại phải kiệm lời, tại sao bạn ngại bày tỏ? Có nhiều người nghĩ “biết ở trong lòng là được rồi” hay “mua cái gì đó để đáp lại” là xong, coi như “huề vốn”. Thế nhưng, trong tình cảm không phải lúc nào cũng 1=1, bạn “ban” cho tôi cái này, tôi “trả” bạn cái kia là xong chuyện.
TS. Huỳnh Văn Sơn

Tình cảm chân thành phải được gặp một trái tim chân thành. Khi cho đi điều này, thấy bạn hạnh phúc có nghĩa là người cho đã được nhận lại rồi. Cuộc sống vô cùng ngắn ngủi. Tại sao không nói ngay từ bây giờ, có khó gì đâu lời bày tỏ yêu thương với những người thân yêu nhất.