Thứ bảy, 25/3/2017, 21h19

Quản lý hóa chất nguy hiểm còn nhiều bất cập

Trước tình trạng số người ngộ độc rượu phải nhập viện cấp cứu và tử vong vì rượu ngày càng gia tăng, cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc về tình hình quản lý, sản xuất và kinh doanh liên quan đến hóa chất nguy hại methanol.

Một bệnh nhân bị ngộ độc rượu đang điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: I.T

Trước đó, qua thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, rượu giá rẻ trôi nổi trên thị trường khá nhiều, có hiện tượng pha chế methanol thành rượu (đây là cồn công nghiệp, chỉ được sử dụng vào công nghệ làm sơn, không được uống do độc tính rất mạnh).

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, hiện nay rượu tự nấu chiếm tỷ lệ 70%, do đó cần quản lý chặt loại rượu này. Ông đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Công thương cần kiểm tra kỹ khung khổ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này như Luật Hóa chất, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, các nghị định, thông tư liên quan; kiểm tra công tác quản lý Nhà nước của các sở công thương; phối hợp hoặc không phối hợp với các địa phương kiểm tra đột xuất hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất tại một vài điểm…

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công thương) Nguyễn Phú Cường đề xuất nên pha thêm màu để phân biệt cồn công nghiệp và cồn thực phẩm. Bởi hiện nay, bằng mắt thường không thể phân biệt được hai loại cồn này. Tuy nhiên, cần có sự quản lý chất lượng, dung lượng khi pha thêm màu vào cồn công nghiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực hóa chất của Bộ Công thương không yêu cầu chúng ta đến kiểm tra từng cửa hàng kinh doanh, đó là trách nhiệm của các sở công thương, nhưng chúng ta phải kiểm tra việc chấp hành pháp luật ở địa phương trong lĩnh vực này - nghĩa là “kiểm tra đơn vị đi kiểm tra”... Quản lý hóa chất, đặc biệt là hóa chất trong danh mục nguy hiểm, bị cấm hiện còn nhiều lỗ hổng, bất cập. Do đó, để tạo môi trường kiến tạo, giảm bớt các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân, chúng ta cần tăng cường công tác hậu kiểm và phân cấp quản lý cho các địa phương...”.

Theo đó, ông Tuấn Anh giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát các văn bản liên quan vấn đề quản lý hóa chất cấm, hóa chất độc hại từ trong sản xuất, nhập khẩu, thông quan, tồn chứa, sử dụng, kinh doanh…; đề nghị Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Khoa học và công nghệ phối hợp với Bộ Y tế xây dựng nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất rượu tự nấu của người dân; Cục Quản lý thị trường và Cục Hóa chất phối hợp chặt chẽ với Hà Nội và TP.HCM xây dựng kế hoạch hành động, tăng cường tính chủ động, tích cực để tập trung xử lý các cơ sở sản xuất rượu trái quy định pháp luật. Cụ thể, Cục Quản lý thị trường kiểm tra tính chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại hai địa bàn lớn này. Cục Hóa chất phối hợp với hai thành phố kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh hóa chất; tăng cường hậu kiểm tại địa phương; rà lại danh mục các hóa chất nguy hiểm; có kế hoạch ứng phó các sự cố hóa chất tại địa phương; kiểm tra, rà soát thường xuyên, đảm bảo không thất thoát những hóa chất nguy hại thuộc danh mục cấm...

Hà Thương