Thứ năm, 23/3/2017, 21h58

Quản lý nhà trường trước yêu cầu đổi mới của giáo dục

LTS: Nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà trường ngày một tốt hơn trước nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) theo tinh thần Nghị quyết 29 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI, Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với ngành GD-ĐT quận 7 tổ chức Hội thảo “Quản lý nhà trường trước yêu cầu đổi mới của GD-ĐT”, diễn ra vào ngày 28-4 tới. Báo Giáo dục TP.HCM trân trọng giới thiệu  bài tham luận của TS. Huỳnh Công Minh (Chủ tịch Hội đồng cố vấn chuyên môn Trường THCS, THPT Quang Trung - Nguyễn Huệ).

Chưa có năm học nào chủ trương đổi mới giáo dục được quán triệt một cách sâu sắc, đồng bộ và quyết liệt trong các cấp quản lý chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương như năm học này.

Giờ học tiếng Anh của học sinh tiểu học tại TP.HCM. Ảnh: N.Trinh

I. Nhận thức về yêu cầu đổi mới giáo dục và nhiệm vụ năm học 2016-2017

Xuất phát từ tình hình và nhiệm vụ phát triển đất nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (2011) đã đề ra chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong xu thế hội nhập quốc tế và được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 29 Trung ương 8 khóa XI (2013). Qua đó, đổi mới căn bản là đổi mới những yếu tố mang tính quyết định cho sự tồn tại và phát triển giáo dục như tư duy, đầu tư, quản lý và đổi mới toàn diện là đổi mới đồng thời tất cả các thành tố của hoạt động giáo dục từ mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thiết chế tổ chức nhà trường và phương thức đánh giá.

Về nhiệm vụ năm học, chúng ta nhận thức sâu sắc rằng năm học 2016-2017 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết 29 Trung ương 8 khóa XI. Các cấp lãnh đạo đã có những chỉ thị hướng dẫn rất quyết liệt và cụ thể: Ngày 26-8-2016 Bộ GD-ĐT đã có Chỉ thị 3031/CT-BGDĐT nêu rõ yêu cầu: “Tăng cường kỷ cương, nề nếp và nâng cao chất lượng toàn diện trong các cơ sở GD-ĐT, chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng…”. Và cụ thể hơn tại TP.HCM, ngày 19-9-2016, UBND TP đã có Chỉ thị 17/CT-UBND xác định 3 nhiệm vụ cơ bản là: “Xác định GD-ĐT là động lực quan trọng để thành phố phát triển bền vững; tạo các tiền đề để phấn đấu đến năm 2020, hệ thống GD-ĐT thành phố được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, các mô hình thí điểm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả GD-ĐT trên địa bàn thành phố; Tập trung xây dựng thành phố thành trung tâm GD-ĐT chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển giáo dục và chất lượng giáo dục. Xây dựng xã hội học tập, khuyến khích, tạo điều kiện công bằng và thuận lợi để mọi người dân thành phố được học tập suốt đời. Xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế của thành phố”.

Qua đó, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã hướng dẫn cho toàn ngành nhiệm vụ năm học 2016-2017: “Đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục; đổi mới căn bản toàn diện chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá, coi trọng quản lý chất lượng giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tăng nguồn đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật đến trường và hòa nhập vào cuộc sống!”.

Có thể nói, chưa có một năm học nào chủ trương đổi mới giáo dục được quán triệt một cách sâu sắc, đồng bộ và quyết liệt trong các cấp quản lý chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương như năm học này. Đặc biệt là nhiệm vụ năm học của ngành GD-ĐT quận 7 thể hiện tinh thần tích cực, quyết tâm đổi mới của lãnh đạo địa phương và lực lượng sư phạm các trường thông qua kế hoạch, chương trình hành động của quận và của các cơ sở giáo dục.

II. Nhận thức về chức năng nhiệm vụ quản lý trường học

Theo Đại từ điển tiếng Việt: “Quản lý là tổ chức, điều khiển hoạt động của đơn vị, cơ quan”. Tổ chức bao gồm việc tập hợp, tuyển dụng, sắp xếp khoa học, phát huy tinh thần hoạt động của đội ngũ và bồi dưỡng, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị. Điều khiển bao gồm việc tiếp nhận chủ trương, đề ra yêu cầu và kế hoạch thực hiện, triển khai hướng dẫn và xây dựng cơ chế hoạt động, thanh kiểm tra thúc đẩy bộ máy vận hành đồng bộ, đúng hướng theo yêu cầu đã đề ra.

Như vậy quản lý là tổ chức nắm chắc toàn bộ lực lượng cả về nhân lực và tài lực, điều hành lực lượng ấy hoạt động để đạt mục tiêu yêu cầu nhiệm vụ đề ra của đơn vị. Quản lý trường học là nắm toàn bộ lực lượng từ nhân lực đến cơ sở vật chất, môi trường hoạt động và các mối quan hệ liên quan của nhà trường, tổ chức cho thầy trò dạy và học tốt theo yêu cầu nhiệm vụ đã đề ra.

Về nhiệm vụ quản lý, các nhà khoa học trước đây xác định ba biện pháp cơ bản là quản lý bằng pháp chế, quản lý bằng kế hoạch và quản lý bằng thi đua. Ngày nay, khoa học quản lý đề cao vai trò của tư tưởng, tổ chức và quản lý chế độ chính sách, quản lý kinh tế. Từ những lý luận có được và qua kinh nghiệm thực tế, chúng ta có thể đúc rút được các biện pháp quản lý trường học chính như sau:

1. Quản lý qua công tác tư tưởng, nhận thức

Chúng ta thường được nghe đề cao về công tác tư tưởng: “Tư tưởng là thống soái” - tư tưởng quyết định hành động, tư tưởng định hướng tư duy và mọi hành vi của con người. Tư tưởng bao gồm sự thông suốt về chủ trương, mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của nhiệm vụ đề ra để người được quản lý phát huy tốt nhất năng lực có được của mình thực thi nhiệm vụ.

Cũng từ yêu cầu tư tưởng, nhận thức này trong quản lý mà trước đây gọi là quản lý pháp chế, hàm ý làm cho người được quản lý nhận thức rõ mục đích yêu cầu nhiệm vụ và những chỉ tiêu đề ra mang tính pháp lệnh để nghiêm túc thi hành. Ngày nay, với biện pháp quản lý tư tưởng, nhận thức đòi hỏi người được quản lý phải hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và thực thi nhiệm vụ một cách dân chủ, có ý thức và sáng tạo, không đơn thuần chỉ hành động mang tính chấp hành.

2. Quản lý qua công tác tổ chức

Lênin đã từng nói về giải pháp tiên quyết của cách mạng là: “Tổ chức, tổ chức và tổ chức”. “Không bẻ đũa cả nắm” là câu nói đề cao vai trò của tổ chức trong việc nâng cao sức mạnh của đơn vị.

Tổ chức trong quản lý bao gồm tuyển dụng, tập hợp lực lượng, xây dựng cơ chế hoạt động, phân công bố trí và thực hiện chế độ chính sách, khen chê rõ ràng phân minh. Đây là biện pháp quản lý mà trước đây gọi là quản lý bằng kế hoạch. Trong công tác tổ chức đã bao gồm kế hoạch, nhưng công tác tổ chức còn nêu rõ yêu cầu về lực lượng thực thi nhiệm vụ. Lực lượng ấy được quán triệt tư tưởng, thống nhất ý chí và cùng hành động theo kế hoạch đã đề ra. Đây là vấn đề trọng yếu của hoạt động quản lý.

3. Quản lý qua công tác thanh kiểm tra, đánh giá

Khoa học quản lý luôn đề cao vai trò của hoạt động thanh, kiểm tra: “Quản lý thì phải thanh kiểm tra, không có thanh kiểm tra thì không có quản lý!”. Thanh, kiểm tra là hoạt động thường xuyên của người quản lý để người quản lý trực tiếp thấy được sản phẩm lao động của người được quản lý, qua đó mà đánh giá chủ trương, biện pháp quản lý của mình để điều chỉnh, uốn nắn nếu cần; nắm rõ điều kiện lao động và phân loại được lực lượng lao động, thực hiện sát hợp chế độ chính sách qua đó thúc đẩy lực lượng lao động hoàn thành nhiệm vụ. Có ý kiến cho đây là biện pháp quản lý kinh tế là vậy. Qua đây, chúng ta thấy quản lý qua thanh, kiểm tra mang tính toàn diện hơn nhiều so với biện pháp quản lý thi đua trước đây.

Thanh tra là hoạt động của cấp trên quản lý, kiểm tra là hoạt động của cấp quản lý đơn vị. Công tác thanh kiểm tra chỉ có ý nghĩa khi người quản lý nắm rõ yêu cầu công việc, khả năng và điều kiện làm việc của lực lượng được quản lý và luôn khách quan công bằng, không định kiến, đố kỵ, tất cả vì sự tiến bộ, sự phát triển của ngành và của đơn vị.

TS. Huỳnh Công Minh 
(Còn tiếp)

 

* Tài liệu tham khảo:

- Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Nghị quyết 29-NQ/TW Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

- Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ngày 26-8-2016 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 của ngành giáo dục.

- Chỉ thị số 17/CT-UBND  của Ủy ban Nhân dân thành phố ngày 19-9-2016 về việc thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT năm học 2016-2017 tại TP.HCM.

- Hướng dẫn năm học của Sở GD-ĐT.

- Kế hoạch năm học 2016-2017 của Phòng GD-ĐT quận 7.

- Quản lý giáo dục, tác giả PGS.TS Trần Kiểm.