Chủ nhật, 26/3/2017, 01h54

Quản lý nhà trường trước yêu cầu đổi mới giáo dục (Tiếp theo và hết)

Quản lý nhà trường là xây dựng môi trường văn hóa mang tính giáo dục cao không phải là sự gò bó, áp đặt thiếu dân chủ…

Một lớp học theo mô hình trường học mới (VNEN) tại TP.HCM. Ảnh: N.Trinh

III. Quản lý nhà trường trước yêu cầu đổi mới giáo dục của năm học

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017 trước yêu cầu đổi mới giáo dục, quản lý nhà trường cần tập trung vào những nhiệm vụ cơ bản như sau:

1. Về tư tưởng nhận thức

Đây là lĩnh vực công tác mà chúng ta thường làm chưa tới, còn sơ sài, mang tính hành chính; chưa sâu và chưa hiệu quả!

Yêu cầu công tác tư tưởng nhận thức về đổi mới giáo dục của năm học là phải làm cho mỗi thành viên nhà trường hiểu được mục đích ý nghĩa và yêu cầu của công cuộc đổi mới, qua đó mà xác định trách nhiệm học tập để thực hiện tốt nhiệm vụ và nâng cao nhiệt huyết, tích cực vượt khó để tiến bộ bản thân và phát triển đơn vị:

Đổi mới tư duy giáo dục là xác định và thấm nhuần triết lý giáo dục một cách cụ thể về dân tộc, về con người và về sự phát triển sáng tạo, không mơ hồ theo lối mòn khoa bảng nặng nề, thiếu thực tế; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, không phải đầu tư phúc lợi; quản lý nhà trường là xây dựng môi trường văn hóa mang tính giáo dục cao không phải là sự gò bó, áp đặt thiếu dân chủ…

Đổi mới mục tiêu giáo dục từ khoa bảng sang con người năng lực; đổi mới nội dung chương trình giáo dục từ phân hóa sang tích hợp; đổi mới phương pháp dạy học từ áp đặt một chiều sang tương tác đa chiều; đổi mới thiết chế tổ chức nhà trường từ số đông sang cá thể; đổi mới đánh giá từ bị đánh giá sang tự đánh giá…

Đây là những vấn đề đổi mới có cả tính vĩ mô và vi mô, trong phạm vi của hội thảo, chúng ta cần tập trung nhiều hơn ở yêu cầu vi mô để thực hiện không chờ đợi. Qua công tác tư tưởng nhận thức, chúng ta phải làm cho thầy cô giáo thể hiện yêu cầu đào tạo con người năng lực như thế nào thay cho khoa bảng? Phải biết môn toán rèn luyện kỹ năng tư duy; môn văn rèn kỹ năng đọc, hiểu, cảm nhận và diễn đạt… Không chỉ đơn thuần đối phó với những kỳ thi.

Công tác tư tưởng nhận thức chưa tới, chưa đạt yêu cầu, thường rơi vào hai tình huống phổ biến là nhận thức của cán bộ quản lý chưa tới, chưa quyết tâm tổ chức đến nơi đến chốn và các thành viên nhà trường chưa quan tâm, ngại khó, không có tinh thần cầu tiến. Trong đó nguyên nhân của cán bộ quản lý là quan trọng nhất. Ở đâu, người cán bộ quản lý nhận thức tiến bộ, đúng đắn, có sự quyết tâm thực hiện thì ở đó công tác tư tưởng nhận thức tốt, công tác quản lý tốt.

2. Về công tác tổ chức

Công tác tổ chức giữ vai trò quyết định trong công tác quản lý nhà trường nhưng trong thực tế chúng ta vẫn còn mắc phải những giới hạn như làm theo thói quen, hay cả nể từ tiêu chuẩn chọn lựa cán bộ nòng cốt, bố trí giáo viên đến việc xây dựng cơ chế hoạt động chưa theo yêu cầu đổi mới.

Chủ trương đổi mới giáo dục đã được triển khai hơn hai năm qua nhưng công cuộc đổi mới vẫn chưa khởi sắc ở một số đơn vị, nguyên nhân chính là cán bộ quản lý ở đây chưa mạnh dạn bố trí lại, xây dựng một đội hình tiến công của nhà trường theo yêu cầu đổi mới và chưa nhạy bén để nâng niu, trân trọng, phát huy và tạo điều kiện cho những nhân tố đổi mới phát triển, nhân rộng. Cơ chế hoạt động chưa nghiêm, sinh hoạt tổ nhóm kém chất lượng.

Đội hình đổi mới về mặt tổ chức, nhìn vào bộ máy hoạt động của tập thể sư phạm nhà trường, ta phải thấy được nổi lên những nhân tố đổi mới, thể hiện khí thế đổi mới của đơn vị; thời gian và chi phí đầu tư cho hoạt động đổi mới phải chiếm một tỉ trọng tương xứng với tầm quan trọng mà chủ trương đổi mới đề ra; trong các chương trình nghị sự, hội họp, đổi mới là nội dung phải được ưu tiên đề ra và bàn luận đến nơi đến chốn…

3. Về thanh kiểm tra, đánh giá

Thanh kiểm tra là hoạt động có tác dụng thúc đẩy và điều chỉnh, định hướng hoạt động theo hướng đổi mới giáo dục của nhà trường. Nhưng trong thực tế tác dụng của thanh kiểm tra vào công cuộc đổi mới vẫn còn những giới hạn, nguyên nhân là công tác thanh kiểm tra chưa bám sát yêu cầu đổi mới, chưa thể chế hóa được những yêu cầu đổi mới thành những tiêu chí đánh giá cụ thể và thanh kiểm tra chưa đi sâu vào chuyên môn mà thường sa đà sự vụ, thủ tục hành chính, tạo nên sự đối phó nặng nề nhưng vô bổ từ phía người được thanh kiểm tra.

Để có tác dụng tốt cho công cuộc đổi mới, lực lượng thanh kiểm tra phải ít mà tinh, gồm những người có năng lực, uy tín và nhận thức tốt và thiết tha với yêu cầu đổi mới.

Thanh kiểm tra phải tập trung vào chuyên môn, vào tính mới của nội dung bài dạy, của phương pháp dạy học, của sự tổ chức lớp học và của sự đánh giá, nhận xét học sinh… theo mục tiêu đào tạo mới của công cuộc đổi mới. Qua đó, thanh kiểm tra nêu được ngọn cờ đổi mới để hiệu triệu mọi người làm theo thay vì thanh tra hành chính hay thủ tục sự vụ, tạo áp lực nặng nề, đối phó vô bổ từ người được thanh kiểm tra.

Quản lý nhà trường trước yêu cầu đổi mới giáo dục của năm học 2016-2017 là phát huy những mặt tích cực về đổi mới đã làm được và nỗ lực khắc phục những giới hạn của hoạt động quản lý nhà trường vừa nêu.

TS. Huỳnh Công Minh

* Tài liệu tham khảo:

- Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Nghị quyết 29-NQ/TW Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

- Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ngày 26-8-2016 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 của ngành giáo dục.

- Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND TP ngày 19-9-2016 về việc thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT năm học 2016-2017 tại TP.HCM.

- Hướng dẫn năm học của Sở GD-ĐT TP.HCM.

- Kế hoạch năm học 2016-2017 của Phòng GD-ĐT Q.7.

- Quản lý giáo dục, tác giả PGS.TS Trần Kiểm.