Thứ năm, 27/4/2017, 22h03

Quản lý trường học trước yêu cầu đổi mới

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là nhu cầu cần thiết và cấp bách theo tinh thần Nghị quyết 29 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI. Cùng với công tác đội ngũ, chương trình và sách giáo khoa, công tác quản lý nhà trường đòi hỏi không ngừng nâng cao chất lượng. Đây là nội dung chính của Hội thảo “Quản lý nhà trường trước yêu cầu đổi mới của GD-ĐT” do Báo Giáo dục TP.HCM và ngành GD-ĐT Q.7 phối hợp tổ chức hôm nay (28-4). 

Theo PGS.TS Phạm Minh Hùng (Trường ĐH Vinh), cần thiết quản lý hoạt động dạy học ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Trong ảnh: Học sinh TP.HCM tham gia cuộc thi sáng tạo robothon. Ảnh: N.Trinh

ThS. Ngô Xuân Đông (Trưởng phòng GD-ĐT Q.7) cho biết để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt.

Những bất cập hiện tại về quản lý trường học

Theo ThS. Ngô Xuân Đông, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, đội ngũ này còn “bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục; thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của đất nước trong giai đoạn phát triển mới”. Vì thế, đi đôi với đổi mới đào tạo cần phải đổi mới hoạt động bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý theo cách tiếp cận năng lực.

TS. Ninh Văn Bình (giảng viên chính Trường ĐH Sài Gòn) phân tích, trong giai đoạn hiện nay, chất lượng nghiệp vụ của đa số giáo viên mới vào nghề còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục. Vì vậy, theo TS. Ninh Văn Bình, ngoài đổi mới chương trình và sách giáo khoa cần đổi mới phương thức đào tạo giáo viên.

Thầy Cao Xuân Hiểu (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn) thừa nhận, quản lý GD-ĐT hiện còn nhiều yếu kém. Theo đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên còn nhiều bất cập, đạo đức và năng lực của một bộ phận còn thấp. Tư duy giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới hiện nay. Một số nơi đang tiến hành đổi mới trường học, đổi mới cung cách quản lý nhưng còn nặng tính hình thức.

Đi sâu vào đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục nhận thức trong trường mầm non, cô Bùi Thị Thu Hồng (giáo viên Trường Mầm non 19-5) cho rằng, cần có phương pháp dạy học tích cực, cần tạo ra môi trường hoạt động để phát huy tính tích cực của trẻ trong hoạt động nhận thức. Còn theo TS. Nguyễn Trọng Thuyết (Trường ĐH Sài Gòn), cán bộ quản lý giáo dục mầm non phải hướng đến chương trình tiên tiến, đa dạng, thích nghi với xu thế toàn cầu hóa. Muốn làm tốt điều đó, đội ngũ này cần được bồi dưỡng theo hướng tiếp cận năng lực để quản lý tốt. Theo cô Đặng Thị Lý (Trường Tiểu học Lê Anh Xuân), Ban Giám hiệu cần coi trọng sứ mạng của người thầy, chỉ đạo gắn kết chặt chẽ giữa dạy và học với kiểm tra đánh giá, nhằm điều chỉnh nâng cao chất lượng dạy học. Nêu cao vai trò của tổ chuyên môn trong sinh hoạt tổ…

Cuộc cách mạng về quản lý trường học

TS. Huỳnh Công Minh (Chủ tịch Hội đồng Cố vấn chuyên môn Trường THCS, THPT Quang Trung - Nguyễn Huệ, TP.HCM) cho rằng quản lý nhà trường cần tập trung vào những nhiệm vụ cơ bản, bao gồm: Quản lý qua công tác tư tưởng nhận thức, công tác tổ chức, công tác thanh kiểm tra đánh giá. Trong khi đó, GS.TS Vũ Gia Hiền lại coi trọng giáo dục tích hợp khi đánh giá cao nền tảng con người và xã hội. Có thể nói rằng giáo dục tích hợp là giáo dục cuộc sống, kỹ năng sống trong bài giảng dù là toán học, văn học, sử học, vật lý, hóa học...

PGS.TS Phạm Minh Hùng (Trường ĐH Vinh) khẳng định về sự cần thiết quản lý hoạt động dạy học ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Ngoài việc đảm bảo cho hoạt động dạy học hướng tới phát triển các năng lực chung và năng lực chuyên biệt của học sinh, quản lý hoạt động dạy học ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh còn tạo điều kiện phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, thực hiện mục tiêu và chuẩn đầu ra của giáo dục phổ thông. Đối với công tác quản lý nhà trường, cô Trần Thị Kim Phượng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản) đề xuất nâng nề nếp tổ chức kỷ luật của đơn vị thành văn hóa đơn vị, xác định hệ thống giá trị của đơn vị thành cảm xúc của từng thành viên nhà trường. Theo đó, phải đưa công tác quản lý vào kế hoạch, xây dựng kế hoạch đơn vị vừa mang tính tích cực, vừa có tính khả thi. Quản lý kế hoạch là cách quản lý hiện đại, hiệu quả và phát huy tốt nhất dân chủ của nhà trường. Chú trọng đặc biệt đến công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý trong nhà trường.

Thầy Nguyễn Song Dũng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Hưởng) thì đề cao công tác quản lý và sử dụng đội ngũ. Theo ông, cần quán triệt và thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá nghiêm túc đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp để làm cơ sở cho việc bố trí, sử dụng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và chuẩn về trình độ. Tăng cường các cuộc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý. Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, mở rộng nguồn giới thiệu và đảm bảo những cán bộ được đưa vào quy hoạch đều được trải qua quá trình tập sự và đào tạo theo quy định. Xây dựng tiêu chuẩn quy hoạch và tiêu chuẩn bổ nhiệm rõ ràng, minh bạch. Trong đó, chú trọng có các tiêu chí về tầm nhìn, tư duy khoa học và kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Các tiêu chuẩn này cần được xây dựng một cách khoa học, linh hoạt, cụ thể và phù hợp với thực tiễn từng trường, từng cấp học, ngành học. Hạn chế tối đa các tiêu chuẩn thuộc về cảm tính. Đồng thời tránh máy móc trong việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ quy hoạch. Có cơ chế đột phá trong việc bố trí và sử dụng nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo cơ bản để bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các trường học trên địa bàn quận. Thực hiện việc xếp loại, đánh giá viên chức theo chuẩn nghề nghiệp với điều động, luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng; các chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài và sử dụng ngân sách một cách hợp lý cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước về chế độ, chính sách đối với GD-ĐT.

Phan Ngọc Quang