Thứ hai, 24/5/2010, 15h05

Quảng Bình: Giáo viên trường bán công khổ vì… tăng lương

Hàng trăm giáo viên các trường THPT bán công ở Quảng Bình đang có nguy cơ không có lương bởi quỹ lương các trường bị thâm hụt do lương cơ bản đã tăng 2 lần nhưng học phí vẫn bị khống chế. Thực trạng này khiến các giáo viên không khỏi hoang mang.
Đồng loạt cạn kiệt quỹ lương
Trường THPT Bán công Bắc Quảng Trạch những ngày cuối năm học đang chồng chất những mối lo. Hiện trường đang nợ lương và phụ cấp của giáo viên lên tới hơn 220 triệu đồng. Ông Nguyễn Xuân Thắng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết đã phải tín chấp vay tiền ngân hàng với lý do… mua xe máy để trả một phần lương cho giáo viên, nhân viên trường.
Tương tự, khi mức lương cơ bản là 650.000 đồng, quỹ lương của Trường THPT Bán công Quảng Trạch là trên 130 triệu đồng/tháng. Khoản tổng học phí 160 triệu đồng/tháng khiến trường luôn trong tình trạng thâm hụt tài chính vì nguồn thu không đủ đảm bảo các khoản chi thường xuyên. Ông Nguyễn Xuân Sùng - Hiệu trưởng nhà trường buồn bã nhắc đến còn số gần 560 triệu đồng tiền nợ lương, bảo hiểm xã hội và tiền dạy thêm giờ cho giáo viên.
 “Tháng 5 này giáo viên chưa nhận được đồng lương nào vì quỹ lương của năm đã hết. Tôi vừa làm tờ trình xin Sở GD-ĐT và UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí. Nếu không được, tôi tính phải đi vay ngân hàng trả tạm một ít, còn lại đợi thu học phí sang năm trả nốt cho anh em giáo viên”, ông Sùng tính, sau khi nhiều lần động viên giáo viên yên tâm giảng dạy song vẫn không ngăn được tâm lý lo âu, hoang mang của những người đang đứng trên bục giảng trường.
Trước việc điều chỉnh tăng lương cơ bản từ 650.000 đồng lên 730.000 đồng, các trường bán công ở Quảng Bình đều rơi vào tình cảnh khó khăn. Không đến nỗi phải đi vay ngân hàng như những người đồng nhiệm, song ông Mai Sơn Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Bán công Đồng Hới cho biết quỹ lương năm học này chỉ đủ trả lương hết tháng 6. 
Các trường THPT bán công ở Quảng Bình gặp khó khăn đồng loạt vì lương tăng nhưng học phí không được tăng.
“Tôi đang tính trong tháng 5 này sẽ cho giáo viên, nhân viên nhận lương tháng 6 luôn, còn lương tháng 7 có lẽ phải muộn một chút, vì phải thu học phí năm học 2010-2011 vào tháng 8 mới trả được” - ông Hà cho biết.
Hiện toàn tỉnh Quảng Bình có 7 trường THPT bán công, trong đó huyện Quảng Trạch có 3 trường, các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và TP Đồng Hới mỗi địa phương có một trường. Tình trạng thiếu lương giáo viên xảy ra ở tất cả các trường, đặc biệt từ khi lương cơ bản được điều chỉnh tăng lên 650.000 đồng và nay là 730.000 đồng.
Thiếu thốn vì là “bán công”?
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, ngân sách nhà nước chỉ chi trả lương cho cán bộ quản lý và kế toán các trường bán công, còn các giáo viên, nhân viên đều nhận lương từ nguồn thu học phí và các khoản đóng góp tự nguyện, bắt buộc của phụ huynh học sinh. Ngoài ra, mức thu học phí đối với các trường bán công bị khống chế theo hai mức 130.000 đồng và 140.000 đồng/học sinh/tháng tùy theo vùng nông thôn hay thành thị.
Theo hiệu trưởng các trường, mức thu này được HĐND “quyết” trên cơ sở tính toán để đảm bảo trả lương và kinh phí hoạt động cho các trường tương ứng mức lương cơ bản 540.000 đồng. Đến nay, lương cơ bản đã hai lần điều chỉnh tăng, nhưng học phí vẫn dẫm chân tại chỗ khiến tình hình tài chính các trường bán công càng ngày càng eo hẹp.
Ông Mai Sơn Hà cho biết: Với mức lương cơ bản hiện tại, nhà trường với hơn 80% giáo viên cơ hữu có những người có hệ số lương rất cao thì việc thiếu hụt quỹ lương là khó tránh khỏi. Năm 2009, khi lương cơ bản tăng lên 650.000 đồng, tỉnh đã trích ngân sách bù cho Trường THPT Bán công Đồng Hới gần 300 triệu đồng. Năm nay, mức hỗ trợ này nếu được duyệt sẽ là 730 triệu đồng.
Tuy nhiên, các khoản hỗ trợ của tỉnh cho các trường thường được rót về vào dịp cuối năm, nên thường các trường gặp nhiều khó khăn trong dịp hè bởi đó là các tháng không có nguồn thu.
Cũng theo các hiệu trưởng, bất cập trong mô hình các trường bán công là một mặt quy định mức trần học phí, nhưng mặc khác lại hầu như khoán trắng cho các trường về tài chính. Ngân sách chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ trong các khoản chi của trường. Chính vì vậy, không chỉ giáo viên, nhân viên các trường gặp khó khăn, mà nguồn tiền để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy cũng luôn eo hẹp bởi tất cả các trường bán công trên địa bàn tỉnh đều ưu tiên giải bài toán tiền lương.
Nói về thực trạng này, Tiến sỹ Nguyễn Kế Thân - Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình cho biết: nhận được thông tin từ các trường, Sở đã tổng hợp tình hình nợ lương giáo viên và báo cáo lên UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo xử lý.
Ngày 22/5 vừa qua, tại cuộc họp bàn về “Đề án chuyển đổi các trường THPT, mầm non bán công sang công lập, dân lập, tư thục”, Sở GD-ĐT tỉnh đã đưa ra dự thảo đề án, nhấn mạnh việc chuyển đổi các trường Bán công thành mô hình dân lập, tư thục để phù hợp với hoàn cảnh thực tế của địa phương.
Dự thảo đề án đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản biện và sẽ phải tiếp tục chính sửa, bổ sung để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp tới. Dự kiến, trong năm 2010, Trường THPT bán công Đồng Hới sẽ thí điểm hoạt động theo mô hình tư thục trước khi nhân rộng mô hình đối với các trường còn lại.
Hồng Kỹ / Dan tri