Chủ nhật, 23/5/2010, 12h05

Quảng Ngãi: Ngư dân khóc ròng vì tàu đánh cá nằm trên... ruộng lúa

Đã 7 tháng nay, tàu đánh cá của anh Sơn nằm “phơi sương gió” trên… cánh đồng, cách bờ biển khoảng 5km. Để đưa con tàu về biển, anh phải mất gần 200 triệu đồng. Cũng 7 tháng nay, cuộc sống gia đình anh bộn bề khó khăn…
Cơn bão số 9 năm 2009 đã lùi xa, nhưng những thiệt hại thảm khốc do nó gây ra cho những ngư dân nghèo huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đâu đó vẫn còn “âm ỉ”.
 Đã 7 tháng nay, con tàu mang số hiệu QNg 95861 TS, công suất 150 CV của anh Nguyễn Tấn Sơn (thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) nằm trên cánh đồng Đồng Min thuộc xã Bình Dương, cách bờ biển khoảng 5km. May mắn là con tàu không bị hư hỏng nặng. Nhưng để đưa con tàu về biển phải mất gần 200 triệu đồng.
Chị Bùi Thị Nga, vợ anh Sơn, vừa đi vay tiền ở nhà ngoại về để mua thuốc cho con, mếu máo: “Nhưng giờ biết đào đâu ra chừng đó tiền mà đưa tàu xuống biển, bởi tiền vay để đóng con tàu này và mua ngư lưới cụ (trị giá 1,2 tỷ) còn chưa trả xong.
Thấy chồng tôi không có việc làm đã 7 tháng nay, gia cảnh nheo nhóc, một chủ tàu cùng thôn thương tình kêu đi làm công cho anh, hiện giờ đang đánh bắt ở đảo Cát Bà (Hải Phòng). Từ một chủ tàu, bỗng chốc chồng tôi trở thành người làm thuê”.
Anh Nguyễn Hữu Đoàn, người có ít vốn góp vào đóng mới con tàu với gia đình anh Nguyễn Tấn Sơn cho biết: “Tôi và anh Sơn đã nhiều lần làm đơn để được hưởng tiền hỗ trợ nhưng không được chấp nhận vì “Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn”. Cũng may là chúng tôi được cơ quan bảo hiểm tạm ứng cho 40 triệu đồng. Nhưng chừng đó không đủ. Chúng tôi cũng đã đến ngân hàng xin vay thêm nhưng bị từ chối vì nợ cũ chưa trả xong.
Anh Đoàn thở dài: “Nếu bây giờ không được hỗ trợ, chúng tôi mong được ngân hàng cho vay với lãi suất thấp để cứu lấy con tàu để còn tiếp tục kế sinh nhai”.
Trao đổi vấn đề này, ông Phù Trung Anh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Sơn cho biết: Ngay sau khi cơn bão số 9 đi qua, huyện Bình Sơn đã thành lập một đoàn công tác về 7 xã vùng ven biển của huyện để xác định mức độ thiệt hại để kịp thời giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả.
“Toàn huyện có 251 chiếc tàu thuyền đánh cá bị hư hỏng với số tiền cần được hỗ trợ để sửa chữa lên đến 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, “chiểu” theo Quyết định số 1570/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc hỗ trợ cho người dân sau cơn bão số 9, thì toàn huyện chỉ có 89 tàu thuyền được hưởng hỗ trợ với số tiền gần 1,3 tỷ đồng”, ông Anh nói.
Ngoài ra, cũng theo Quyết định 1570, “mức hỗ trợ này chỉ thực hiện cho những tàu thuyền có đầy đủ đăng ký, đăng kiểm tàu cá, giấy phép khai thác thác thủy sản và chấp hành tốt các quy định về phòng chống lụt bão, được chính quyền địa phương và Đồn biên phòng sở tại xác nhận”.
Vì “vướng” ở khâu này nên, theo ông Anh, đến nay có 22 tàu đánh cá của ngư dân huyện Bình Sơn không được nhận tiền hỗ trợ là do “Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn”, “Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn trong thời gian xảy ra tai nạn” hoặc “Chưa đăng ký”.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người, lý do khiến những chiếc tàu đánh cá nói trên không được nhận tiền hỗ trợ là quá cứng nhắc, bởi thiên tai có thể tàn phá tất cả những “vật cản” trên đường đi của nó vào bất kỳ lúc nào.
Còn riêng với gia đình anh Sơn, ước mong duy nhất của gia đình anh là làm sao đưa được con tàu về đúng với vị trí và chức năng của nó. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần lắm sự hỗ trợ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Đoàn Hữu Trung
TTXVN