Thứ năm, 2/4/2009, 13h04

"Quăng" nhà trẻ ra cho xã hội?

Sở GD - ĐT vừa công bố báo cáo tóm tắt việc thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn TP.HCM ngày 31/3. Bản báo cáo rất khả quan, nhưng thực tế lại không như vậy.  

Trường công lập: “Bình cũ rượu mới” 
Theo mục tiêu thực hiện xã hội hóa giáo dục (XHH GD), trường bán công và lớp bán công trong trường công dần bị xóa bỏ. Bên cạnh đó, sẽ chuyển đổi trường bán công thành trường công lập và giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các trường công lập. 
Thế nhưng, anh Đặng Đức Dũng, chuyên viên văn hóa xã hội (Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM), cho biết, mặc dù đã chuyển sang trường công lập nhưng vẫn không thay đổi là mấy. “Chẳng qua cũng chỉ là “bình cũ rượu mới” mà thôi”. 
 Trường THCS Phan Bội Châu đã chuyển từ trường bán công sang trường công lập tự chủ tài chính (TCTC) nhưng vẫn phải duy trì một số lớp bán công. 
"Xã hội tham dự XHH GD ở mức độ nào phụ thuộc vào tình hình, hoàn cảnh kinh tế của đất nước" - GS Trần Minh Tấn. 
Trên thực tế, điều khiến các trường phải “loay hoay” chính là tài chính.
Hiệu trưởng Trường Mầm non công lập TCTC Nhiêu Lộc (quận Tân Phú) nói rằng trường sẽ không thể tồn tại nếu không có hỗ trợ tài chính của Nhà nước. 
Mặc dù đều là trường công lập, nhưng giữa trường công lập và công lập TCTC lại có sự khác biệt.  
Trường THCS Phan Sào Nam và Kiến Thiết là hai trường công lập TCTC tại quận 3 được cho là đang bị “bóp nghẹt” về tài chính.
Cũng là trường công lập, nhưng số học sinh vào đây bao giờ cũng ít hơn các trường khác. Thậm chí, có năm lớp 6 chỉ tuyển được hơn 1 lớp.  
Nguyên nhân của việc này là do học sinh đủ tiêu chuẩn để vào trường công lập thì phải xét vào trường công lập.
Tuy nhiên, học sinh ở đây hầu hết đều đủ tiêu chuẩn để xét vào công lập, nên số rất ít còn lại mới vào trường công lập TCTC là hai trường trên. 
Trong mục tiêu thực hiện XHH GD, việc mở rộng loại hình trường lớp ngoài công lập cũng được khuyến khích. Tuy nhiên, những chính sách ưu tiên cho các trường này, nhất là thủ tục hành chánh trong đầu tư xây dựng trường lớp lại gặp nhiều vướng mắc. 
Theo báo cáo kết quả khảo sát tình hình công tác XHH GD một số quận ở TP.HCM của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, nhiều trường dân lập, tư thục gặp khó khăn khi phải đi thuê cơ sở vật chất, mặt bằng trong khi đơn vị cho thuê không phải là chủ sở hữu mà thuê lại của đơn vị khác dẫn đến việc không bảo đảm về mặt pháp l‎ý. 
Trường hợp trường dân lập Phạm Ngũ Lão, mặc dù đặt tại nhà văn hóa thiếu nhi, nhưng lại không được treo bảng hiệu của trường. “Chẳng khác gì trường học chui rúc cả” - bà Lê Thị Thanh Nguyệt, hiệu trưởng trường bức xúc. 
“Thả nổi” nhà trẻ, mầm non 
Hiện nay, các nhà trẻ, trường mầm non dân lập, tư thục phát triển rất nhanh. Theo bà Nguyễn Thị Yến Thu, chủ tịch Hội cựu giáo chức TP.HCM, việc dồn mầm non về hình thức dân lập, tư thục là sai lầm.  
“Nhiều người không qua đào tạo cũng mở lớp dạy ở nhà để có thêm thu nhập. Việc dạy không đơn thuần là vì giáo dục, mà đúng hơn là để kinh doanh” - bà Thu giải thích. 
XHH GD không có nghĩa là "thả" mầm non, nhà trẻ cho xã hội lo.
Ảnh: Minh Quyên
Tình hình khuyến khích sự phát triển nhà trẻ, mầm non với hình thức dân lập, tư thục cũng sẽ là nguy cơ giảm chất lượng giáo viên và cả chất lượng giáo dục. 
“Bên cạnh trường dân lập, tư thục cũng phải duy trì trường công để con em người lao động, người nghèo có thể yên tâm theo học” - bà Thu bổ sung. 
Đồng tình với ý‎ kiến trên, anh Đức Dũng cũng cho rằng: “XHH GD là mời dân cùng tham gia không có nghĩa là "quăng" nhà trẻ, mẫu giáo ra cho xã hội lo. Những khu vực ngoại thành dân nhập cư đông nhưng trường lớp lại thiếu, nếu không có trường công, nhà trẻ, mẫu giáo gia đình cũng sẽ lén lút mọc lên”. 
Giáo sư Trần Minh Tấn cho rằng XHH GD là công tác của toàn xã hội (XH), toàn XH quan tâm, phát biểu ý kiến về chính sách, chương trình, nội dung giảng dạy. Vì thế, xã hội tham dự ở mức độ nào còn phụ thuộc vào tình hình, hoàn cảnh kinh tế của đất nước.  
Minh Quyên (Vietnamnet)