Thứ sáu, 23/10/2015, 09h52

Quay phim, chụp ảnh… bài giảng của giảng viên

Ảnh chụp từ một đoạn clip sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM quay về nội dung thực hành trên lớp

Chụp ảnh, ghi âm thậm chí quay clip bài giảng của giảng viên… ngày càng được nhiều sinh viên sử dụng thay cho việc cắm cúi ghi chép từ đầu đến cuối…

Trừ mục đích sử dụng điện thoại trong giờ học vào việc riêng như nhắn tin, gọi điện, lướt web… giảng viên một số trường ĐH còn khuyến khích sinh viên áp dụng phương tiện hiện đại này vào học tập để đạt hiệu quả cao.

Lưu bài giảng qua hình ảnh, clip…

ThS. Huỳnh Bá Lộc - giảng viên Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM - cho biết việc sinh viên chụp ảnh, ghi âm… nội dung bài giảng đã diễn ra từ 3-4 năm nay. Đa số mục đích của các em là tốt, thường ghi lại những đoạn bài giảng quan trọng, đoạn các em chưa hiểu hết hoặc không viết kịp.

Trong quá trình giảng dạy, ThS. Lộc nhận thấy sinh viên các ngành ngoại ngữ thường chụp ảnh, ghi âm nhiều hơn các ngành khác. Tuy nhiên, đa số những em ghi âm hoặc chụp ảnh đều chăm học, hiếm có chuyện đặt máy ghi âm để yên tâm… ngủ gục trong giờ học. Vì thực tế, một khi các em đã thiếu chăm chú nghe giảng trên lớp, ít khi nào chịu nghe lại ở nhà.

Không chỉ ghi âm, chụp ảnh, sinh viên ngành kỹ thuật công nghệ còn quay clip nội dung thực hành chia sẻ cho nhau để về nhà xem lại. Một sinh viên ngành điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa TP.HCM giải thích, có những bài thực hành phức tạp, không thể hiểu ngay trên trường, việc quay lại clip giúp các em có thêm thời gian nghiền ngẫm, nghiên cứu.

Thêm vào đó, nhiều sinh viên vì bệnh hoặc có lý do đột xuất không đến trường được thường nhờ bạn ghi âm, chụp ảnh hoặc quay clip… để tiện theo dõi lại. Sinh viên trên còn cho biết, trước kia mỗi khi lỡ vắng học các em thường rất lo lắng, phải nhờ bạn chỉ lại bài sau đó. Giờ, thông qua ghi âm, clip… bạn bè chia sẻ lại, các em được nghe hoặc xem lại bài thầy giảng một cách trọn vẹn.

ThS. Nguyễn Tấn Ý - Phó trưởng khoa Cơ khí Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cho hay, trong một số giờ thực hành có yêu cầu các nhóm sinh viên cử đại diện quay clip lại để phục vụ tham khảo, phòng trường hợp các em không theo dõi kịp. Theo ThS. Ý, một số bài thực hành diễn ra nhanh, có thể sinh viên chưa kịp hiểu hoặc nhớ, việc ghi lại sẽ hỗ trợ phần nào cho các em.

Không thay thế hoàn toàn ghi chép

ThS. Nguyễn Tấn Ý quan điểm, không phải bài giảng nào cũng có thể áp dụng việc ghi, quay… Bởi trong quá trình học, có những nội dung buộc sinh viên phải chủ động tương tác với giảng viên hoặc bạn cùng lớp, không đơn thuần là nghe hoặc ghi chép. Việc “phó mặc” ghi chép cho máy ghi âm, chụp ảnh, quay phim càng không nên, thay vào đó cần kết hợp viết bài với các phương tiện hỗ trợ trên mới tăng hiệu quả. Ông Ý đơn cử, với những hình vẽ kỹ thuật, nếu sinh viên không tự tay vẽ sẽ khó khắc đậm kiến thức.

ThS. Huỳnh Bá Lộc cũng đồng quan điểm khi cho rằng, cần định hướng việc sinh viên sử dụng điện thoại thông minh hỗ trợ việc học. Nếu lạm dụng quay, chụp… để thay thế hoàn toàn cho ghi chép cũng như thuyết trình, thảo luận sẽ hạn chế đi tính tương tác trong học tập. Trong khi đó, việc dạy và học hiện nay yêu cầu tính tương tác rất cao giữa người dạy và người học chứ không đơn thuần cung cấp thông tin hay “đọc - chép”...

Đại diện phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM có phần lo ngại vấn đề sinh viên phụ thuộc hoàn toàn vào việc quay, chụp… nội dung bài học có thể làm thui chột dần khả năng viết lách, khó khăn trong diễn đạt hoặc lười biếng ghi chép, nhất là trong điều kiện điện thoại thông minh được sử dụng phổ biến ở giới sinh viên như hiện nay. Vị này nêu thêm, thực tế tại trường, hiện nhiều sinh viên không viết nổi cái đơn, chữ xấu, sai chính tả, không rõ nội dung, được yêu cầu viết đi viết lại nhiều lần mới đạt.

ThS. Nguyễn Tấn Ý cũng đề cập vấn đề theo dõi sát chặt sinh viên trong giờ học để tránh trường hợp sinh viên dựa vào sự cho phép của giảng viên để quay, chụp những nội dung không phục vụ bài học hoặc lén... chơi game. Ngoài ra, mặc dù nhiều giảng viên thừa nhận việc sinh viên quay phim, chụp ảnh… nội dung bài học giúp họ kiểm soát, điều chỉnh tác phong để chuẩn mực hơn trong giảng dạy nhưng cũng vô tình tạo thêm khoảng cách giữa thầy và trò so với trước kia.

Bài, ảnh: M.Tâm