Thứ bảy, 24/6/2017, 20h57

Quy chế hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021. Theo quy chế, hội đồng họp toàn thể định kỳ 6 tháng/lần, họp chuyên đề 3 tháng/lần, khi cần thiết có thể tổ chức họp đột xuất do chủ tịch hội đồng quyết định. Các thành viên của hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tham gia vào các hoạt động chung của hội đồng, thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước chủ tịch hội đồng về công tác được phân công. Đối với chủ trương và chính sách quan trọng về lĩnh vực GD-ĐT, GDNN và phát triển nhân lực, chủ tịch hội đồng hoặc phó chủ tịch hội đồng quyết định mở rộng thành phần mời họp hội đồng. Đối với những đề án, chương trình trọng điểm, hội đồng giao cơ quan thường trực của hội đồng tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nhà báo, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trước khi đưa ra hội đồng thảo luận. Hội đồng có 6 tiểu ban chuyên môn gồm: Tiểu ban giáo dục mầm non, Tiểu ban giáo dục phổ thông, Tiểu ban giáo dục ĐH, Tiểu ban GDNN, Tiểu ban phát triển nhân lực, Tiểu ban GDTX và học tập suốt đời.

Cơ quan thường trực hội đồng có nhiệm vụ xây dựng chương trình công tác giai đoạn 2017-2021 và đề xuất nội dung các cuộc họp hội đồng, báo cáo chủ tịch hội đồng phê duyệt; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, các tiểu ban chuyên môn chuẩn bị báo cáo những vấn đề liên quan theo yêu cầu của chủ tịch hội đồng; tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nhà báo, các tổ chức về các vấn đề cần xin ý kiến; báo cáo chủ tịch hội đồng xử lý các thông tin, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức về cơ chế, chính sách, đề án liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT, GDNN và phát triển nhân lực...

P.Nhi