Thứ ba, 9/12/2008, 16h12

Quy chế thi tốt nghiệp THPT: Cái cần không sửa, sửa cái không cần!

Mỗi thí sinh một đề: Không cần thiết. Trong ảnh: Học sinh ôn bài trước giờ thi tốt nghiệp THPT 2008. Ảnh: H.LÂN

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, mới đây, Bộ GD-ĐT lại dự kiến tiếp tục sửa đổi, bổ sung 15 điểm của quy chế. Tuy nhiên, dư luận tại các trường THPT cho rằng nhiều vấn đề cốt lõi không được bộ tập trung giải quyết mà chỉ loay hoay với những chỉnh sửa không cần thiết.

Thanh tra làm thay giám thị?

Trong những điểm sửa đổi, bổ sung, đáng chú ý nhất là dự định thay lực lượng giám thị hành lang thuộc các sở GD-ĐT bằng lực lượng thanh tra ủy quyền là giảng viên ĐH, CĐ. Nhiều người đánh giá kế hoạch này là “thiếu niềm tin” đối với cán bộ của các sở GD-ĐT, trong khi lực lượng thanh tra ủy quyền không phải là dồi dào. Cán bộ một trường ĐH tại TPHCM cho hay việc huy động cán bộ, giảng viên đi làm thanh tra ủy quyền là rất khó khăn. Năm ngoái, trường này đã phải vơ vét cả nhân viên các khoa, phòng, ban, trong đó có những người rất thiếu kinh nghiệm.

Thống kê của bộ cho thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008, cả nước có 1,2 triệu thí sinh dự thi và có 8.000 thanh tra ủy quyền. Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, cứ 2- 3 phòng thi phải có một giám thị hành lang (tương ứng là một thanh tra ủy quyền) thì kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 cần 17.000- 25.000 cán bộ thanh tra ủy quyền. Lãnh đạo các trường ĐH, CĐ lo không biết tìm đâu ra lực lượng này.

Trong khi đó, ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho rằng: “Giám thị làm công việc coi thi, còn thanh tra là đi kiểm tra việc tổ chức thi tại các hội đồng thi chứ không làm thay việc cho giám thị!”.

Mỗi thí sinh một đề: Không cần thiết!

Điểm mới nữa là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009, đối với bốn môn thi trắc nghiệm, dự kiến mỗi thí sinh (TS) sẽ có một đề thi riêng. Ông Nguyễn Văn Ngai, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng chủ trương này không cần thiết vì nó sẽ làm cho khâu in sao đề thi gặp nhiều khó khăn. Theo ông Ngai, trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2008, tại TPHCM, mỗi phòng thi trung bình có 24 TS với 12 mã đề thi khác nhau. Nếu sắp xếp chỗ ngồi hợp lý thì không có chuyện hai TS ngồi gần nhau có đề thi giống nhau.

Thêm một quy định mới “bắt bí” giám thị là nếu trong phòng thi có từ 2 bài làm trở lên có nội dung giống nhau trên 50% thì 2 giám thị phải giải trình. Thực tế với cách dạy, học và thi như hiện nay, chuyện bài thi của thí sinh giống nhau, thậm chí giống nhau như hai giọt nước, cũng không là chuyện lạ. Lãnh đạo các trường THPT than họ không thể nhớ nổi những thay đổi của quy chế thi và rất mệt mỏi khi phải tiếp nhận những thay đổi liên tục như thế.

Muốn thay đổi nên công bố trước 3 năm

Điều đáng nói là những điểm cốt lõi mà các trường mong mỏi thì bộ không... đụng đến. Chương trình THPT hiện phân theo 3 ban, lẽ ra bộ phải có cách tổ chức thi như thế nào để đánh giá được kết quả phân ban thì bộ lại không làm. Trong khi theo cách làm của bộ từ nhiều năm nay là ra chung một đề, trong đó có phần chung và phần riêng. TS học theo chương trình nào (chương trình chuẩn hay nâng cao) phải làm phần đề thi riêng của chương trình đó; nếu làm cả 2 phần đề thi riêng là phạm quy và không được chấm điểm. Quy định là vậy, nhưng khi làm bài thi, TS vẫn chọn phần đề dễ hơn (phần đề của TS ban khác) để làm mà vẫn không phạm quy, vẫn được chấm điểm. Ngoài ra, cách gộp cả “phần chung” và “phần riêng” trong cùng một đề như vừa nêu cũng chẳng khác nào “giăng bẫy” đối với TS.

Ông Võ Anh Dũng cho rằng quy chế thi có ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh, phụ huynh, giáo viên và các trường... nên cần ổn định lâu dài. Khi thấy cần thay đổi, phải công bố trước 3 năm, lúc học sinh mới vào lớp 10, để các em chuẩn bị.

Xuân Hồng (NLĐ)