Thứ hai, 6/4/2009, 11h04

Quy định mới về chế độ làm việc cho giảng viên ĐH: Bắt đầu từ đâu?

Trên giảng đường ĐH Vinh. Ảnh: Thành An

Giảng viên đọc 1- dạy 10

Giảng viên ĐH có 2 nhiệm vụ chính là giảng dạy và nghiên cứu. Tuy nhiên, có vẻ như cả 2 khâu này đều “chưa ổn” trong hệ thống giảng viên ĐH hiện nay. Năm 2007, một đoàn chuyên gia hàng đầu Hoa Kỳ đã có chuyến khảo sát 4 trường ĐH lớn của VN và dễ dàng “bắt lỗi” các giảng viên đại học.

Trong bản báo cáo “Những quan sát về GD ĐH” được hoàn thành sau đó, các chuyên gia nhận định, đội ngũ giảng viên ĐH của VN hiện nay được trang bị ít ỏi về mặt học thuật do chỉ tập trung vào việc học thuộc lòng lý thuyết trong GD ĐH. Giảng viên bằng cử nhân chỉ chịu trách nhiệm phụ trách phòng thí nghiệm. Giảng viên trình độ thạc sỹ chịu trách nhiệm lên lớp phần lý thuyết về những kiến thức mang tính dữ liệu nên bài giảng không sâu. Đặc biệt, giảng viên có bằng tiến sỹ không tham gia công tác nghiên cứu, do đó không có khả năng cố vấn cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh hoặc đưa các nghiên cứu của chính họ vào lớp học đại học.

Bà Nguyễn Thanh Phượng-giám đốc Quỹ giáo dục VEF cho biết, trong khi giảng viên nước ngoài dành rất nhiều thời gian nghiên cứu và đọc tài liệu thì giảng viên của ta lại theo quy trình ngược; Nghĩa là, giảng dạy 10, nghiên cứu chỉ 1,2. Vì vậy, thực tế, có những giảng viên ĐH vẫn ngày ngày lên lớp bằng giáo trình của những năm 80-90, vừa lạc hậu, vừa xa rời cuộc sống. Giảng viên ĐH của VN đang sử dụng phương pháp diễn thuyết là chủ yếu, sinh viên ghi chép một cách thụ động. Đặc biệt, giảng viên ít sử dụng các kỹ năng học tập tích cực như giao bài tập về nhà có chấm điểm, thảo luận trong lớp học nên không có sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên trong lớp.

Cũng theo bà Phượng, tại nhiều quốc gia trên thế giới, sinh viên ra trường đều đi làm ở các công ty, doanh nghiệp trong vài năm để cọ sát kinh nghiệm thực tế. Sau đó, nếu còn có nhu cầu trở lại trường ĐH làm giảng viên, sinh viên đó sẽ được tiếp nhận. Theo nhìn nhận của các nhà giáo dục thế giới, làm như vậy thì các tân giảng viên sẽ mang được hơi thở cuộc sống và thực tiễn vào bài giảng. Trở lại với các trường ĐH VN, đóng góp lớn trong đội ngũ giảng viên hiện nay là các sinh viên, sau quá trình học tập, được đánh giá là có năng lực (thông qua điểm số và các hoạt động xã hội) sẽ được giữ lại làm giảng viên ĐH. Điều này có lợi là nhà trường hiểu rõ sinh viên của mình nhưng cũng vì vậy mà các giảng viên thiếu vắng kinh nghiệm thực tế. Có giảng viên từ khi đứng lớp tới lúc nghỉ hưu chỉ… giỏi lý thuyết mà chưa một lần thực hành. Nhiều thầy cô kém chính học trò của mình về kinh nghiệm làm việc chỉ sau một thời gian ngắn em này ra trường và làm nghề. “Đã đến lúc cần nhìn nhận lại cách tuyển chọn này”-bà Phượng nêu ý kiến.

Giảng nhiều, nhưng điều đáng nói là giảng viên ĐH còn “hổng” về nghiên cứu khoa học. Các trường ĐH rất thiếu vắng các phòng thí nghiệm, hoặc có chăng chỉ đủ đáp ứng các thí nghiệm nhỏ. Trong khi lẽ ra, phòng nghiên cứu này phải hoạt động độc lập, là “cái nôi” của các công trình nghiên cứu lớn, có tính ứng dụng cao. Cũng theo nhận định của đoàn chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, nhiều giảng viên ĐH VN gần như không bao giờ nghiên cứu, không có một công trình nổi danh nào. Ngoài giờ lên lớp, những giảng viên ĐH VN không có mặt trong trường ĐH, thậm chí, không có cả sự liên hệ nào với sinh viên sau giờ học.

Đi tìm “cái gốc”

Quyết định chế độ làm việc đối với giảng viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ĐH vừa được Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long ký đầu tháng 12 vừa qua, đã “lượng hoá” số giờ giảng dạy, cũng như các bài báo khoa học, công trình nghiên cứu của các giảng viên ĐH. Quyết định cũng nêu yêu cầu về các công trình khoa học mà Phó giáo sư, giáo sư phải hoàn thành. Theo đó, giảng viên chính phải có 600 giờ nghiên cứu khoa học/năm và hoạt động chuyên môn 260 giờ; Giáo sư và giảng viên cao cấp cần hoàn thành 700 giờ nghiên cứu khoa học và 160 giờ hoạt động chuyên môn. Ngoài ra, mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên là 280 giờ.

Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Xuân Hãn, muốn đạt được “chế độ làm việc” như trên không dễ bởi thực tế đang có quá nhiều rào cản giảng viên ĐH làm việc.

Một trong những khó khăn đầu tiên là tình trạng giảng viên/sinh viên không cân xứng khiến các giảng viên ĐH hiện nay đang phải làm việc với cường độ quá mức. Theo bà Phượng, chỉ tính riêng thời gian giảng dạy, trung bình giảng viên đã phải dạy tới trên 20h/tuần (trên 960 h/năm). Dạy quá nhiều khiến giảng nhiều không còn thời gian nghiên cứu khoa học hay biên soạn bài giảng khiến chất lượng giảng không cao. Nếu áp dụng đúng quy định về giờ dạy của Bộ GD-ĐT thì sẽ không đủ giảng viên để dạy cho số SV hiện có. Tại nhiều trường ĐH chưa có cơ chế khuyến khích, khen thưởng đối với giảng viên ĐH nâng cao kỹ năng bài giảng, chất lượng môn học. Việc đề bạt, tăng lương của các giảng viên dựa vào khối lượng giảng dạy và thâm niên, không dựa trên thành tích càng khiến giảng viên ĐH mất động lực phấn đấu.

Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên ĐH là điều cần thiết. Tuy nhiên, một khi không giải quyết tận “gốc” của vấn đề (như tăng giảng viên để giảm giờ dạy, đầu tư hạ tầng phòng thí nghiệm…) thì khó mà thực thi phần ngọn - tức là một chế độ làm việc hợp lý dành cho giảng viên ĐH.

Thảo Nguyên (GD&TĐ)