Thứ năm, 22/6/2017, 22h35

Quy hoạch phát triển dạy nghề đến năm 2025: Phải làm rõ vai trò của giáo dục nghề nghiệp

Chiều 22-6, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và  thành viên Hội đồng thẩm định “Dự án quy hoạch phát triển dạy nghề TP.HCM đến năm 2025”.

Tại đây, ông Trần Văn Bích (Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), Trưởng tiểu ban Ban soạn thảo dự án cho biết, TP hiện có 529 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Hằng năm đào tạo hơn 200.000 học viên, sinh viên các nhóm ngành nghề. Theo đó, số lao động đã qua đào tạo của TP ngày càng nhiều. Tuy nhiên, “Chất lượng lao động vẫn còn thấp so với yêu cầu phát triển của TP. Thị trường lao động vẫn chưa đồng bộ, còn thể hiện sự chênh lệch cung - cầu. Nghịch lý lớn là TP đang rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Cử nhân thất nghiệp, có nhu cầu tìm việc chiếm khoảng 60% số người đang tìm việc. Doanh nghiệp luôn cần nhân lực hài hòa 3 yếu tố: kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…)”, ông Bích tâm tư.

Theo đó dự thảo “Dự án quy hoạch phát triển dạy nghề TP.HCM đến năm 2025”, nêu rõ phấn đấu tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao trong các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của TP đạt 85-90%; Tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo nghề đạt 95%... Muốn vậy sẽ có 4 trường CĐ được lựa chọn để đầu tư, phát triển thành trường nghề chất lượng cao (gồm: CĐ Nghề TP; TC nghề KT-CN Hùng Vương, CĐ nghề KT-CN TP và CĐ nghề GTVT Trung ương III)); 14 trường được lựa chọn nghề trọng điểm, bao gồm 6 trường CĐ và 8 trường TC. Bên cạnh đó, các trường được lựa chọn phải đảm bảo đầu vào với trường CĐ là 500 và TC là 250 sinh viên, học viên. Tuy nhiên, hiện chỉ có Trường CĐ nghề GTVT Trung ương III là đạt chuẩn về diện tích.

Kết luận tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu cho rằng, dự thảo cần nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của việc quy hoạch hệ thống dạy nghề là cho TP.HCM và tỉnh phía Nam. Đồng thời, trong quy hoạch phải nêu rõ đối tượng trường, bậc học nào cần mở rộng, nâng cấp, đầu tư trọng điểm; giải bài toán quỹ đất khi di dời các trường. Có giải được bài toán này thì việc phân bổ trường lớp trên địa bàn mới cơ bản hài hòa trong việc đào tạo nguồn nhân lực...

Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, Ban soạn thảo dự án phải làm rõ vai trò của GDNN. Đó là vai trò trong cải thiện đời sống nhân dân, giảm nghèo; trong xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực lao động nông thôn...

Lê Quang Huy