Thứ năm, 16/3/2017, 20h48

Quyền trẻ em vẫn còn bị xâm hại

Bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền TE TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.An

Sáng 16-3, Sở LĐ,TB&XH TP.HCM đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em (BV,CSTE) quý 1-2017.

Tại đây, bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng BV,CSTE (Sở LĐ,TB&XH) thừa nhận 24 quận, huyện và các tổ chức đoàn thể có nhiều nỗ lực trong công tác BV,CSTE nhưng kết quả chưa như mong muốn. Thực tế trẻ em (TE) bị bóc lột sức lao động, bị xâm hại tình dục (XHTD) tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Đồng tình, bà Mai Thị Ngọc Mai - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền TE TP.HCM - tỏ ra lo ngại về tình trạng TE bị XHTD nhưng chưa được bảo vệ và can thiệp kịp thời. “Chúng tôi đề cao vai trò của phòng BV,CSTE và các tổ chức luôn đồng hành, sẵn sàng vì TE. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thực tế còn nhiều yếu kém trong triển khai, tổ chức. Thời gian tới, hội sẽ phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội TE TP tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức phòng tránh XHTD ở TE cho các cán bộ làm công tác BV,CSTE”, bà Mai nói.

Trước thực trạng quyền TE bị xâm hại trong thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH TP sẽ vận dụng có hiệu quả các nguồn lực ngân sách để chăm lo cho TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn TP. Riêng trong năm 2017, sẽ giảm tỷ lệ TE có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt còn dưới 4%; 95% TE có hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, trợ giúp và chăm sóc cũng như được tiếp cận ít nhất một trong các loại hình dịch vụ BVTE để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển...

Theo bà Nguyễn Thanh Minh, nguyên Trưởng phòng BV,CSTE, có 14 diện TE có hoàn cảnh đặc biệt trong Luật TE mới có hiệu lực từ 1-6-2017 (luật cũ 10 diện - PV), gồm TE bỏ học kiếm sống khi chưa tốt nghiệp THCS, TE bị tổn hại thể chất lẫn tinh thần, TE mắc bệnh hiểm nghèo, TE di cư… Theo đó, số TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cũng tăng lên.

Tại hội nghị, cán bộ làm công tác BV,CSTE các địa phương đề xuất cần có chính sách thoáng hơn về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho TE có hoàn cảnh đặc biệt. Hiện nay, Sở LĐ,TB&XH TP quy định đối tượng này bỏ học vì bất cứ lý do gì thì phải hoàn tiền, đây là nội dung rất khó thực hiện.

Giải pháp căn cơ trong thời gian tới trong BV,CSTE, bà Phụng yêu cầu các đơn vị tổ chức tốt các buổi tuyên truyền, tập huấn trang bị kiến thức phòng tránh XHTD. Sở cũng sẽ “gỡ” khó cho các địa phương trong tìm kinh phí hỗ trợ cho trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật được học nghề và giải quyết việc làm… 

T.An