Thứ ba, 16/1/2018, 21h41

Rác biến thành... thực phẩm!?

Mỗi ngày chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM) thải ra hàng trăm tấn rác là rau củ đã hư hỏng. Tại đây cũng xuất hiện một đội quân nhặt rác rau củ... đem bán như thực phẩm cho người tiêu dùng.

Hành tây đã hư hỏng được đôi vợ chồng nhanh tay nhặt trước khi xe rác đến thu gom. Ảnh: T.Thương

Khoảng hơn 5 giờ sáng, không khí phân loại hàng và mua bán sỉ lẻ tại chợ Thủ Đức vào giờ cao điểm. Tại một sạp kinh doanh hành khô ở khu chợ A, có 6 công nhân đang phân loại hành để đóng hàng sỉ cho mối quen. Những củ hành không còn nguyên vẹn hoặc có dấu hiệu thối được dồn lại thành đống. Sau đó có một công nhân gom lên xe đẩy đến bãi rác cách đó khoảng 100 mét. Ngay lập tức xuất hiện 2 phụ nữ tay xách bao tải tiến đến bới móc, nhặt nhạnh.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các chợ A, chợ B, chợ C có khoảng 10 bãi rác lớn nhỏ. Tại đây đều có người đang nhặt rác.

Gần 7 giờ sáng, xe thu gom rác của Công ty thu gom rác thải làm việc, những đống rác cao quá đầu người được thu dọn sạch sẽ, thay vào đó là những đống rác mới. Một đôi vợ chồng trờ xe máy đến đống rác trước gian hàng bán hành tây, người phụ nữ buột miệng “tới muộn quá, người ta nhặt sạch sẽ cả rồi”. Nói xong người này ngồi bệt xuống thoăn thoắt nhặt vài củ hành còn sót lại cho vào bịch... Cách đó không xa, một người đàn ông khác cũng đang chuyển một bịch đầy lá cải bắp vừa nhặt được lên xe ba gác, trên xe đã chất đầy những bịch củ cải, su hào, hành tây...

Bà Vân (52 tuổi, chủ sạp kinh doanh hành tây) cho biết, mỗi ngày bà nhập hàng chục tấn về để bỏ mối cho đại lý tại các chợ. Có lô hàng phải bỏ vài tấn hành vì thối hoặc dập nát do quá trình vận chuyển. “Hành đã thối, hư hỏng thì phải vứt, mình có ăn được đâu mà bán. Còn người ta nhặt thì biết làm sao”, bà Vân nói.

Cũng theo bà Vân: “Ngày nào cũng có hàng trăm người nhặt rác rau củ chất đầy xe chở đi. Hành khô thì họ bóc vỏ rửa sạch, lá bắp cải thì được muối dưa... rồi chở đến những khu chợ dành cho công nhân nghèo để bán”.

Theo nhiều tiểu thương, lá bắp cải được nhặt về hô biến thành dưa muối bán tại các chợ dành cho công nhân. Ảnh: T.Thương

Nói về mức độ an toàn của các sản phẩm này, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý ATTP TP.HCM - khẳng định: “Thực phẩm nhặt từ bãi rác về cảm quan đã nhận thấy mất ATVSTP. Trước hết, chúng là thực phẩm đã hư hỏng không thể sử dụng nên phải bỏ đi; thứ hai chúng đã tiếp xúc với những rác thải khác nguy cơ bị nhiễm các chủng vi khuẩn là rất cao. Do đó, dù được rửa sạch hay chế biến kỹ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí dẫn đến ngộ độc thực phẩm”.

Theo đó, bà Lan khuyến cáo, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm. Đặc biệt cần lựa chọn những thực phẩm còn tươi nguyên, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Không nên ham rẻ mua những thực phẩm đã sơ chế sẵn hoặc có biểu hiện thối, hư hỏng.

Ông Phan Văn Quảng - Đội trưởng đội Quản lý ATTP số 2 (quản lý trên địa bàn Q.2, Q.9 và Thủ Đức) - cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin về thực trạng một số đối tượng nhặt rau ở bãi rác trên địa bàn chợ đầu mối Thủ Đức. Tuy nhiên vì các bãi rác nằm ngoài khu nhà lồng của chợ nên không thuộc quản lý của đơn vị mà thuộc trách nhiệm giám sát quản lý của địa phương. Đối với vấn đề về ATTP trên địa bàn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, đơn vị đang nỗ lực giám sát để kịp thời ngăn chặn nguồn thực phẩm mất an toàn ra thị trường...

Thương Thương