Thứ năm, 18/1/2018, 20h59

“Rằng hay thì thật là hay…”

Theo cấu trúc của chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ môn âm nhạc lần đầu tiên sẽ được dạy ở bậc THPT. Thông tin này khiến học sinh và thầy cô giáo vô cùng phấn khởi. Không vui sao được khi tất cả các bộ môn đều có hướng mở, tạo điều kiện tốt nhất cho các em phát huy những năng lực còn ở dạng tiềm năng. Bộ môn âm nhạc sẽ khơi dậy niềm say mê ca hát của tuổi trẻ và qua đó, góp phần giáo dục đạo đức học sinh. Nhưng vấn đề đặt ra là nguồn giáo viên ở đâu để dạy bộ môn âm nhạc? Các trường chuyên ngành đào tạo về âm nhạc thi tuyển gắt gao về năng khiếu, và đúng như thế, có năng khiếu đặc biệt mới học âm nhạc được.

Một khi nói đến năng khiếu thì không thể có chuyện “đại trà” nên người học âm nhạc thành công rất ít so với số lượng ra trường. Nói như thế để chúng ta thấy được sự khó khăn về giáo viên bộ môn âm nhạc. Hiện nay chỉ có bậc tiểu học và THCS có học nhạc mà đã khó tìm giáo viên dạy nhạc. Có ý kiến cho rằng nhà trường có thể mời giảng viên, nhạc sĩ về dạy hợp đồng nhưng xin thưa: giảng viên âm nhạc tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM có thể nhiều nhưng ở tỉnh thì chỉ có giáo viên trường trung cấp văn hóa, nghệ thuật tỉnh. Nơi đây cũng là lò đào tạo… giáo viên âm nhạc cho các trường tiểu học, THCS trong tỉnh. Do đó, giáo viên âm nhạc cũng đâu có nhiều để các trường THPT mời giảng dạy.

Thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đã cận kề mà hướng đào tạo giáo viên âm nhạc chưa biết ra sao? Giáo viên bộ môn âm nhạc bậc THPT học mấy năm? Trường sư phạm đào tạo hay các học viện, nhạc viện? Lẽ ra việc bổ sung môn học của chương trình phổ thông mới phải được công bố từ nhiều năm trước để có sự định hướng, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt; trong đó có vấn đề giáo viên bộ môn âm nhạc.

Dạy và học âm nhạc ở bậc THPT quả là hay! Nhưng có thể sẽ gặp nhiều vất vả khi tìm người dạy. Từ đó, việc học và dạy bộ môn này sẽ bị chắp vá, không liền mạch vì nguyên nhân thiếu giáo viên.

Lê Đức Đồng (Sóc Trăng)