Thứ sáu, 26/2/2010, 17h02

Rau dừa nước

Tùy từng địa phương, người miền Tây Nam bộ thường gọi là rau dừa, miền đông, nam trung bộ gọi theo tên sen úng thủy hay sen cạn vì loại rau này có thể mọc ở ruộng cạn nước, ruộng ngập nước đến 60cm mà vẫn vươn lên như lúa mạ. Rau dừa nước thuộc thân thảo, từ thân đâm nhiều nhánh nhỏ, lá hình thìa mọc hai bên nhánh, chia nhiều tai.
Mùa mưa vừa dứt, nhảy hoa đậu trái tròn nhỏ như hạt tiêu. Được dùng chế biến các món ăn như gỏi, rau sống chấm lẩu mắm, nấu canh. Vị chát dịu, cay, tính mát. Nụ hoa ngâm dấm vị bùi, thơm như cải xoong. Hữu ích hơn, rau dừa nước có tỉ lệ vitamin C khá cao (265mg/100gr cây tươi). Thân lá chứa nhiều glucid, chất xơ (tỷ lệ 31,50%), can-xi, phospho và sắt. Các nguyên tố vi lượng protid, beta-carotene và tamin.
 Do vậy, rau dừa nước rất giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, còn có 23% hoạt chất poly phenol giúp ngừa ung thư, chất flavonoid chống viêm da, nhiễm trùng giác mạc, tăng cường thị lực (bằng cách hái trái còn non, xanh, nấu nước).
Nấu món canh gồm 150gr rau dừa nước trong 300ml nước với 3 muỗng mật ong, còn 150ml, ăn trước 2 bữa cơm. Liền 10 ngày, giúp trị viêm phế quản mãn tính, viêm bàng quang, tiết niệu, cầu thận cấp.
Dùng 200 nụ hoa, hạt nấu trong 1 lít nước, còn 300ml, chia 3 phần uống trong ngày, trị nấm móng, nấm kẽ tay chân, đẹn lưỡi trẻ em.
Nghiền quả chín khô (5-10gr) và 50gr thân, lá khô, 1 muỗng đường phèn, hòa tan trong 50ml nước chín, uống trước khi ngủ 20 phút, giúp chống táo bón, rong kinh, rối kinh, trẻ hóa tế bào da.
Lưu ý, chỉ uống khi ăn no và không uống khi bị viêm loét dạ dày.
Đông y sĩ Kiều Bá Long / SK&ĐS