Thứ sáu, 15/8/2008, 10h26

Rèn chính tả cho học sinh tiểu học

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Rèn lỗi chính tả cho học sinh là nhiệm vụ cần thiết của giáo viênBài 2: Các biện pháp tiến hành

Trong quá trình dạy học để khắc phục được lỗi chính tả cho học sinh thì việc phân loại học sinh theo các lỗi chính tả học sinh thường hay mắc phải là việc làm đầu tiên để giáo viên có cơ sở lập ra kế hoạch chữa lỗi chính tả cho các em. Có hai loại lỗi chính tả phổ biến, đó là: lỗi chính tả theo phương ngữ và loại lỗi do học sinh không nắm vững qui tắc chính tả.

Tiến hành rèn chính tả:

Sau khi phân loại, điều tra việc rèn cho học sinh nắm vững quy tắc chính tả thì chúng ta dễ dàng thực hiện được qua cách xây dựng các qui tắc chính tả và giúp học sinh ghi nhớ.

Ví dụ: viết “g” trước: a, ă, â, o, ô, ơ, u ,ư; viết “gh” trước: e, ê, i

Đối với các học sinh mắc các loại lỗi chính tả theo phương ngữ thì các loại lỗi các em thường viết sai như: s/x; ch/tr; r/d/gi; an/ang; dấu hỏi/dấu ngã…

Chính vì những lý do trên, khi đọc mẫu cho học sinh viết chính tả, giáo viên phải đọc đúng và chuẩn xác. Nếu giáo viên đọc không đúng, không chuẩn thì học sinh sẽ viết sai lại càng sai nhiều hơn. Những ảnh hưởng của phương ngữ trong quá trình đọc cho học sinh viết chính tả sẽ dẫn đến hiệu quả dạy học chính tả kém.

Đến phần hướng dẫn chính tả, giáo viên cung cấp cho học sinh các qui tắc chính tả, các mẹo chính tả hoặc có thể giải nghĩa một số từ ngữ để học sinh khắc sâu các hiện tượng chính tả.

Ví dụ: Khi hướng dẫn học sinh viết từ: “nghĩ ngợi” thì giáo viên hướng dẫn cách viết theo nhóm thanh điệu: huyền-ngã-nặng/sắc-hỏi-ngang; khác với cách viết từ “nghỉ ngơi” (chú ý những trường hợp ngoại lệ).

Giáo viên cho học sinh đọc thầm bài chính tả và tự nêu lên những từ ngữ mà các em cảm thấy khó viết. Giáo viên viết toàn bộ từ lên bảng, cho học sinh phân tích, so sánh để nắm vững cách viết.

Ví dụ: Viết tiếng “trường” - học sinh phân tích: viết tr + ương + dấu huyền

Sau khi học sinh phân tích xong, giáo viên cho học sinh đọc lại từ mà học sinh đã phân tích để cho học sinh nắm vững cách đọc đúng, từ đó viết đúng. Sau đó, giáo viên cho học sinh viết lại những từ đó vào bảng con nhằm để tái hiện lại cách viết từ ngữ đó.

Đầu năm học, giáo viên cho mỗi học sinh chuẩn bị một cuốn: “Sổ tay chính tả” để sau khi viết bảng con xong thì học sinh mở sổ tay ra ghi lại những từ mà học sinh đã luyện viết nhằm để ghi nhớ và khắc sâu những hiện tượng chính tả đó và tránh viết sai ở lần sau.

Chính vì vậy, khi dạy chính tả, giáo viên có thể tùy thuộc vào đặc điểm phương ngữ của học sinh lớp mình dạy mà lựa chọn những từ ngữ luyện viết đúng để các em luyện tập cho phù hợp.

Trong phần chấm chữa bài chính tả, ngoài những học sinh đến lượt chấm thì giáo viên nên chấm bài mà những học sinh thường mắc nhiều lỗi chính tả. Từ đó, giáo viên kịp thời nhận xét và chữa lỗi cho các em; chỉ rõ cho các em thấy những lỗi viết sai của mình hoặc hướng dẫn cho các em tự chữa lỗi của mình hoặc có thể nhờ một học sinh khá giỏi giúp cho các em chữa lỗi.

Đối với bài viết mẫu của giáo viên trên bảng phụ để hướng dẫn cho học sinh chữa lỗi thì chữ viết của giáo viên phải rõ ràng, đúng theo mẫu chữ đã qui định; thực hiện theo phương châm: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Để làm được điều đó, mỗi thầy cô giáo phải ra sức luyện tập chữ viết của mình.

(Còn tiếp)

Huỳnh Văn Đông

(Trường Tiểu học Hòa Thuận

thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận)