Thứ ba, 23/1/2018, 21h13

Rèn giũa lợi thế để trở thành người làm chủ

TS. Nguyễn Thanh Tùng tương tác với học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu

Sáng 22-1, hơn 2.000 học sinh của Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh) đã tham dự chương trình “Kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐH Tân Tạo và ĐH FPT tổ chức. TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) chia sẻ: “So với máy móc, con người có lợi thế đặc biệt về tư duy cảm xúc. Nếu không thể cạnh tranh được về tư duy logic thì giới trẻ cần rèn giũa lợi thế của mình bằng sự sáng tạo và say mê mới có thể “đối đầu”, làm chủ được công nghệ, làm chủ được tương lai…”.

Theo ông Tùng, sau những cuộc cách mạng 1.0, 2.0, 3.0, cách đây 5 năm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã chính thức bắt đầu ở Đức, sau đó là Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Hàn Quốc… với sự ứng dụng của những robot và kỹ thuật hiện đại, có trí tuệ thông minh như con người. “Nó phát triển dựa trên những thành tựu của các cuộc cách mạng trước, điển hình là dựa trên thành tựu của cuộc cách mạng 3.0 (đánh dấu sự ra đời và phát triển của máy tính có kết nối Internet). Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự đoán sẽ phát triển vũ bão bởi dựa trên 3 trụ cột làm khuynh đảo đời sống xã hội gồm: kỹ thuật số, vật lý và công nghệ sinh học. Chia sẻ về khái niệm “Công dân toàn cầu”, ông Tùng cho biết thuật ngữ trên nảy sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nó dùng chỉ những công dân có đủ năng lực để đi khắp các quốc gia, các vùng lãnh thổ mà không gặp phải trở ngại gì. Tuy nhiên, để có thể đi, học tập và tồn tại được ở các môi trường đó thì những kỹ năng hội nhập mới thật sự quan trọng, là “chìa khóa” mở ra cánh cửa tương lai. Mặt khác, ông Tùng nhấn mạnh: “Hội nhập chứ không phải hòa tan. Trong công cuộc hội nhập để thích nghi với sự biến đổi xã hội, mỗi công dân Việt Nam cần phải giữ được bản sắc văn hóa người Việt chứ không phải trở thành… lai tây; đồng thời phải thật sự hiểu biết và làm chủ được công nghệ trong kỷ nguyên số 4.0”.

Theo ông Tùng, có 5 kỹ năng hội nhập để trở thành công dân toàn cầu mà giới trẻ cần rèn luyện là: kỹ năng hợp tác tương tác; kỹ năng giao tiếp; năng lực tư duy sáng tạo; kỹ năng tư duy phản biện; học tập suốt đời. “Các cỗ máy vượt trội hơn con người về năng lực tư duy logic, tuy nhiên robot có thể thắng 1 người nhưng nhiều người thì chưa chắc. So với robot, con người lại lợi thế về năng lực tư duy cảm xúc. Khi hợp tác, mỗi người có những cách nhìn nhận và giả quyết vấn đề khác nhau dựa trên kinh nghiệm và cảm xúc của mình. Khi tương tác tốt, vấn đề sẽ được giải quyết với những khả năng sáng tạo vô hạn… Nếu không thể cạnh tranh được về tư duy logic thì giới trẻ cần rèn giũa lợi thế của mình, bằng sự sáng tạo và say mê mới có thể “đối đầu” làm chủ được công nghệ, làm chủ được tương lai…”, ông Tùng nhấn mạnh.

Thy Dương