Thứ năm, 15/12/2016, 21h27

Rèn kỹ năng giao tiếp lịch sự cho trẻ

Các bậc phụ huynh cần quan tâm hướng dẫn con có những lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, điệu bộ đúng đắn với mọi người. Đó chính là cách giáo dục quan trọng giúp trẻ hoàn thiện bản thân.

Cha mẹ phải giúp trẻ có được những nhận thức và hành vi cư xử phù hợp ở chốn đông người (ảnh minh họa). Ảnh: IT

Gia đình chị Thao (Bình Thạnh, TP.HCM) hết sức bực bội với đứa con trai tên Thuận - năm nay lên 6 tuổi vì mỗi lần có khách đến chơi, Thuận đều nói trống không rằng: “Sao nhiều người đến chơi mà không thấy ai cho mình chút quà gì nhỉ?”. Bé ngồi chơi thì để chân lên bàn, chạy nhảy lung tung, vừa nói, vừa ăn nhồm nhoàm, lục lọi túi xách của khách. Cu cậu còn kêu la ầm ĩ đòi cho bằng được cái điện thoại xịn của khách để chơi game. Nhiều lúc cả chủ lẫn khách nhìn nhau ngượng ngùng vì cách ứng xử “vô tư” thiếu văn hóa của trẻ con.

Hành vi giao tiếp, ứng xử tự trọng, lịch thiệp, nhã nhặn ở chốn đông người không thể tự nhiên mà có. Các bậc phụ huynh cần quan tâm hướng dẫn con có những lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, điệu bộ đúng đắn với mọi người. Đó chính là cách giáo dục quan trọng giúp trẻ hoàn thiện bản thân. Để rèn cho trẻ kỹ năng giao tiếp lịch sự, cha mẹ cần chú ý những vấn đề sau:

Nên chú ý cách ăn uống lịch thiệp: Khi ngồi vào bàn ăn, cha mẹ hãy dạy cho trẻ biết lễ nghĩa cần thiết như mời người lớn tuổi ngồi vào mâm trước, yêu cầu trẻ không được khua đũa, gõ bát gây tiếng kêu ồn ào. Trong mọi hoàn cảnh cha mẹ đều là tấm gương để trẻ noi theo. Dạy bé ăn uống phải từ tốn, nhẹ nhàng, nhưng nếu cha hoặc mẹ hoặc cả hai bạ đâu ăn đó, chan húp sộp soạp… thì không thể dạy bé lịch thiệp được. Do đó, các bậc cha mẹ phải tự chỉn chu mình trước, sau đó mới dạy con.

Sử dụng điện thoại rất cần lịch sự: Khi trẻ gọi điện thoại, hãy dạy trẻ những câu nói lễ phép như “Xin chào”, “Giới thiệu tên”, “Cho cháu hỏi”… Luôn giữ thái độ nhẹ nhàng, nói chuyện cần nhỏ nhẹ, chậm rãi. Khi người lớn đang nói điện thoại không được xen ngang, nói chêm vào, không được giật điện thoại. Người lớn thấy cần thiết nên nhường quyền nói cho trẻ, hướng dẫn trẻ trả lời một cách tự nhiên, không được để điện thoại mà không nói gì. Ngoài ra, cha mẹ nhắc nhở trẻ thời gian nói điện thoại không được quá lâu, cũng không nên gọi quá sớm, hoặc quá muộn, ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi, riêng tư của người khác.

Không được chạy nhảy lộn xộn, làm ồn ào ở chốn đông người: Trước khi đưa trẻ đến nơi công cộng như dự đám cưới, liên hoan, đến thăm nhà người quen, đi xem phim… cha mẹ cần lường trước và nói cho trẻ biết mục đích chuyến đi, đưa ra những nguyên tắc, quy định yêu cầu trẻ phải tuân thủ. Nếu khi đến nơi trẻ vẫn quấy rối, mè nheo phá vỡ quy tắc, người lớn hãy bình tĩnh kéo trẻ ra chỗ kín khuyến cáo trẻ nếu không nghiêm túc, những lần sau trẻ không bao giờ được đi cùng gia đình. Hãy kiên nhẫn nhắc nhở và uốn nắn trẻ đi vào khuôn khổ.

Dạy trẻ biết chào hỏi khi gặp người lớn tuổi: Khi cha mẹ đưa trẻ đi cùng đến gặp người khác, nhất định phải nhắc nhở chúng khéo léo chào hỏi. Nếu trẻ ngoan ngoãn thể hiện thái độ và hành vi lịch thiệp, cha mẹ cần cổ vũ kịp thời: “Hôm nay con đã hỏi thăm các bác như thế là rất giỏi, con làm cho cha mẹ hãnh diện, con cần phát huy”. Ngược lại, với những đứa trẻ rụt rè, nhút nhát, cha mẹ có thể chuẩn bị tâm lý trước cho trẻ, thậm chí cùng trẻ luyện tập trước.

Đến khi gặp khách, nếu bé quá xấu hổ, ngượng ngùng có thể cho trẻ gật đầu và nở nụ cười thân thiện. Dặn dò bé cẩn thận rằng, chào người nào thì nhìn thẳng vào mặt người đó một cách chân thành. Khi trẻ phát hiện ra nói lời dịu dàng, lịch thiệp tạo không khí thân thiện, cởi mở được mọi người khen, sau này trẻ sẽ tự giác vui vẻ làm việc đó.

Giữ thái độ nhã nhặn, lễ phép khi đến làm khách: Cha mẹ tranh thủ đưa trẻ đến nhà người khác chơi tránh tâm lý sợ con quậy phá chốn đông người nên giấu con ở nhà. Tất nhiên, các cách giải quyết này là phản giáo dục, chỉ mang tính tình thế vì như thế bé sẽ không biết được do mình thiếu lịch thiệp với mọi người nên cha mẹ mới ứng xử như thế. Việc quan trọng ở đây là cha mẹ phải chỉ rõ để trẻ có được những nhận thức và hành vi cư xử phù hợp ở chốn đông người.

Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)