Thứ bảy, 26/11/2016, 20h16

Rèn luyện kỹ năng đọc hiểu qua… trò chơi

Gắn liền với một quan điểm, thái độ sống trước một hiện tượng xã hội hay tư tưởng đạo lý, kiểu bài nghị luận xã hội thường làm cho học sinh lúng túng khi bày tỏ ý kiến của mình. Tiết dạy “Rèn luyện kỹ năng đọc hiểu và nghị luận xã hội tích hợp” do Trường THCS-THPT Đức Trí (TP.HCM) tổ chức vừa qua đã phần nào hóa giải được những vướng mắc cho người học.

Ban giám khảo nhận xét về 3 đội chơi

Với hình thức học tập sinh động và làm chủ giờ học của học sinh, tiết dạy đã đánh thức được khả năng sáng tạo của các em với nhiều điều lý thú và bổ ích.

Game show trên bục giảng

Ở chương trình ngữ văn THPT, nghị luận xã hội (NLXH) là kiểu bài đánh dấu quá trình trưởng thành của người học khi tiệm cận một công dân thực thụ. Bắt buộc học sinh phải biết vận dụng thực tế để bày tỏ quan điểm và nhân sinh quan về cuộc sống đời thường là đòi hỏi của dạng NLXH. Và giáo viên dạy làm sao để học sinh vừa vững vàng kiến thức tập làm văn lại vừa biết vận dụng trong từng đề bài cụ thể. Đây là điều thực sự trăn trở đối với cô Triệu Thị Kim Loan (giáo viên bộ môn văn của Trường THCS-THPT Đức Trí): “Không chỉ ôn tập, thực hành những kiến thức kỹ năng liên quan đến bài tập đọc hiểu, tiết dạy còn phải giúp học sinh biết triển khai cách viết đoạn văn NLXH tích hợp như thế nào”. Theo cô Kim Loan, mục đích của tiết dạy “Rèn luyện kỹ năng đọc hiểu và NLXH tích hợp” còn tạo ra tâm thế thoải mái và phát huy tính sáng tạo của học sinh để từ đó trao đổi rút kinh nghiệm từ các đơn vị bạn trong cụm chuyên môn. Chính điều này mà giáo án của tiết dạy đã được cô Kim Loan thiết kế công phu nhưng cũng rất gọn gàng và rành mạch. Cụ thể, ngay từ đầu các em học sinh đã thực sự thích thú khi tham gia một sân chơi nhỏ trong phòng học. Theo đó, các thành viên trong lớp được chia thành 3 đội vừa tạo sự gay cấn vừa thể hiện sự tranh tài về trí tuệ. Hình thức thảo luận nhóm để có đáp án đúng cho câu hỏi trắc nghiệm đã được hâm nóng từ từ đã biến giờ học chây ì thành sôi nổi, hào hứng. Sự tranh cãi của học sinh đi đúng hướng nên được cô Kim Loan khuyến khích thay vì cấm cản và nhắc nhở như trước đây. Nếu đội Hoa Sen có trưởng nhóm Quỳnh Hương năng nổ thì đội Hoa Hướng Dương có trưởng nhóm Mai Anh tự tin trong từng câu trả lời. Đó cũng là phong cách học tập quyết đoán của “người cầm lái” Hoàng Trọng ở đội Hoa Hồng. Đứng trước đám đông trả lời mạch lạc không phải là chuyện dễ đối với học sinh nhất là các em còn e ngại, rụt rè. Qua cách trình bày chính kiến trước lớp, nhiều em đã lấy được phong thái bình tĩnh. Những câu trả lời ngắn gọn và mạch lạc của đội bạn  giúp các đội còn lại biết cách học hỏi tại chỗ. Chưa hết, nhờ sự động viên của cô Kim Loan mà một số câu trả lời đã vượt ra khỏi kiến thức sách giáo khoa với nhiều sáng tạo giúp các em xóa dần cách học rập khuôn, kiểu mẫu bó buộc.

Thổi hồn vào tiết dạy

Các thành viên trong đội đang thảo luận một tình huống có sự tham gia của giáo viên đứng lớp

Tính ứng dụng của tiết dạy được minh họa rõ nhất qua phần luyện tập viết đoạn văn NLXH tích hợp. Theo đó, ngoài việc nhớ lại 4 bước bắt buộc khi soạn thảo một đoạn văn, các nhóm phải biết cách vận dụng vào từng đề bài để cụ thể hóa các bước sinh động và sát sườn nhất. Không cần “thuộc lòng như cháo” nhưng các em phải biết đường đi nước bước của từng phần để sản phẩm của cả đội không bị khuyết tật về hình hài cũng như cấu trúc. Đối với một số học sinh khá giỏi, việc xây dựng dàn ý cho một đề bài rất dễ dàng; thế nhưng, với các đối tượng còn lại đây chính là một thử thách đôi lúc không dễ gì vượt qua được. Vì thế đây là cơ hội học nhóm ngay tại chỗ để các em truyền “bí kíp” cho nhau. Trước khi có lời nhận xét của giáo viên đứng lớp và ban giám khảo, các em học sinh đã được nghe đánh giá công tâm từ phía đội bạn để soi rọi lại từng lỗi sai của mình. Những góp ý bổ ích đó giúp các em khắc phục được những lỗi sai trong cách xử lý văn bản và tình huống khi đối diện với cuộc sống bên ngoài…

Xuyên suốt tiết dạy là một game show hào hứng nên không khí lớp học đã biến thành một cuộc đua kỳ thú về kiến thức văn chương. Không gian buồn tẻ, đơn điệu của phòng học đã được xua tan bởi cách dạy mới lạ và cách học chủ động. Không còn bám chặt vào sách vở, người học đã biết làm chủ tri thức và điều hành giờ học. Cô Vũ Thị Nga (đại diện Ban chuyên môn nhà trường) đánh giá cao tiết dạy vì giáo viên đứng lớp đã tạo ra những hiệu ứng cần thiết cho học sinh và đánh thức được khả năng sáng tạo, tìm tòi của các em. Tiết dạy như được thổi hồn vào từng trang sách và cả trong giáo án của giáo viên bộ môn.

Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang