Thứ tư, 14/10/2015, 11h01

Rèn tính kỷ luật cho trẻ

Tạo tính kỷ luật ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ trở thành những người tôn trọng kỷ luật với chính mình, với người khác trong tương lai.

Kỷ luật phòng tai nạn

Cha mẹ nên quan tâm đến kỷ luật của trẻ vì các bé cần có một số giới hạn. Nếu em bé thất vọng sau khi cố làm một việc gì đó, có thể ngồi vào trong góc giường, xe nôi. Đó là kinh nghiệm đầu tiên về kỷ luật của bé.

Trước hết, phải đề cập kỷ luật liên quan đến sự an toàn cho trẻ. Ngoài việc lắp đặt các thiết bị trong gia đình như ổ cắm điện, chỗ đun nấu, dao kéo, gầm giường tủ, ngăn kéo, kệ đồ… đảm bảo ngôi nhà an toàn để bé thám hiểm, bậc cha mẹ cần dự đoán trước nhu cầu khi bé muốn ăn, muốn ngủ, tắm rửa và đi vệ sinh…

ThS.BS Lan Hải (cố vấn Hội quán Các bà mẹ) chia sẻ: “Để đảm bảo tính kỷ luật, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, phụ huynh chú ý đến biện pháp “đánh lạc hướng”. Theo bác sĩ Hải, có thể đánh lạc hướng bé bằng hoạt động hoặc món đồ mà bé không được phép lại gần một cách dễ dàng bằng cách thay thế bởi hoạt động hay đồ vật khác. Phòng tránh tai nạn cho trẻ kỹ hơn, người lớn không rung lắc trẻ, đưa nôi hoặc đưa võng mạnh, tung trẻ lên cao, day, nhéo má trẻ. Tình thương và sự tin cậy của hai phía bắt đầu ngay trong giai đoạn này và cha mẹ sẽ hiểu được tính tình cũng như nhu cầu của trẻ, giúp cha mẹ lựa chọn được các biện pháp kỷ luật tích cực trong tương lai”.

Theo bác sĩ Lan Hải, phụ huynh có thể xây dựng và cổ vũ trẻ cư xử phải phép từ những trải nghiệm hàng ngày. (Trong ảnh, học sinh Trường THCS Bình Khánh (huyện Cần Giờ) trong ngày khai giảng năm học mới 2015-2016)

Người lớn làm gương

Làm thế nào để xây dựng, cổ vũ trẻ cư xử phải phép, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ chút nào? Phụ huynh có thể xây dựng và cổ vũ trẻ cư xử phải phép từ những trải nghiệm hàng ngày. Theo bác sĩ Hải, khi còn nhỏ người ta học được nhiều nhất về quy tắc ứng xử trong những tình huống cụ thể. Những gì trẻ làm và chứng kiến sẽ ảnh hưởng lâu dài về sau. Qua lời nói và hành động, cha mẹ thể hiện cho con cái thấy sự tôn trọng người khác, biết cảm thông và quan tâm đến người khác khi họ đau khổ. Cha mẹ đối xử với chính bản thân cũng như đối với người khác bằng sự tôn trọng và luôn cố gắng hết sức thì khi lớn, con cái có cơ hội học biết tại sao cha mẹ lại sống như thế?

Cha mẹ dạy con bằng lời nói và qua hành động. Trẻ con học qua việc quan sát, qua việc nghe thấy (kể cả việc nghe lóm), học lẫn nhau từ cha mẹ, bạn bè, từ những người lớn khác và từ chính bản thân. Thói quen mà trẻ có được là nhờ lặp đi lặp lại từ trong gia đình, với hàng xóm, bạn bè và thầy cô hoặc chia sẻ với người khác. Cách tốt nhất để động viên con cái trở thành người lịch thiệp, giàu tình nghĩa, cha mẹ phải thật sự cố gắng trở thành người mà mình hy vọng con cái sẽ hướng tới.

Dùng văn học và những câu chuyện trong việc tạo tính kỷ luật cũng là một trong những biện pháp hay và hiệu quả. Trẻ con học về quy tắc ứng xử thông qua nhiều hoạt động, bao gồm việc đọc truyện, từ đó trở nên xúc động trước những tác phẩm văn học hay, kích thích đam mê đọc sách. Khi lớn hơn, đọc sách giúp trẻ chuẩn bị những kiến thức thực tế và những trách nhiệm của một người trưởng thành.

Khen chê đúng mực

Phụ huynh cần dứt khoát trước những hành vi, lời nói mà trẻ không được làm. Bên cạnh đó cũng không quên khen chê đúng múc, đúng lúc để trẻ dần dần định hình các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Cụ thể là giới hạn giờ coi ti vi và chơi game online của con; Bắt trẻ tự dọn phòng thay vì người khác dọn giúp; Lập ra một số “luật lệ” để trẻ biết khi vi phạm sẽ lãnh hậu quả như thế nào? Dạy trẻ biết tiêu tiền cũng là một kỹ năng cơ bản trong cuộc sống.

Để trẻ tự tin mà không tự cao, biết cho và nhận hợp lý, biết chia sẻ và cảm thông với người khác đòi hỏi các bậc cha mẹ phải nỗ lực rất nhiều trong cách thể hiện tình cảm đối với chúng, giúp trẻ hiểu biết biên độ sống, biết thế nào là chừng mực trong mọi nhu cầu sống. Chính các bậc cha mẹ phải luôn sáng suốt phân định rõ ràng giữa việc cần, đủ và thừa để có cách yêu con phù hợp. Và nên nhớ: Tôn trọng bình đẳng với con như với một người lớn khác; Vì con chứ không phải vì mình; Cha mẹ làm bạn với con; Con học lớp nào cha mẹ học lớp ấy…

Bài, ảnh: Trần Anh

Tính kỷ luật với trẻ còn phải được học từ bữa ăn. Theo đó, trẻ có thái độ trân trọng bữa ăn nuôi sống mình, không phí phạm. Đến giờ cơm biết mời mọc, nhường nhịn để phần cho người khác, vui vẻ, từ tốn thưởng thức.