Thứ bảy, 14/1/2017, 21h37

Rối loạn tiền đình ảnh hưởng đến cuộc sống

Được điều khiển bởi các nhóm thần kinh cao cấp nằm trong bộ não, tiền đình có chức năng giữ thăng bằng cho cơ thể con người. Tuy nhiên do sức khỏe và tuổi tác, rối loạn tiền đình làm cho con người mất thăng bằng và mệt mỏi nên chất lượng cuộc sống cũng ảnh hưởng.

Sơ đồ về cấu tạo tiền đình (ảnh bệnh viện cung cấp)

Theo thống kê của y học thế giới có 1/3 người ở độ tuổi ngoài 40 đã có ít nhất 1 lần bị rối loạn tiền đình và 50% người trên 60 tuổi hay chóng mặt là do tiền đình bị rối loạn.

Khó hiểu vì xây xẩm mặt mày

ThS.BS Nguyễn Bá Thắng - Phó Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM cho biết, triệu chứng chính của rối loạn tiền đình là chóng mặt có kèm theo trạng thái nặng đầu, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp lo sợ và nôn ói. Đó chính là “sự cố” sức khỏe của anh Sáng nhà ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM cách đây vài tuần. Cho đến bây giờ người đàn ông U60 vẫn chưa quên trạng thái khó chịu xảy ra lần đầu tiên trong đời: “Hôm đó mới 4 giờ sáng mà tôi có cảm giác như muốn rớt xuống đất mỗi khi trở mình trên giường. Một lúc sau ngồi lên để vào phòng vệ sinh thì đi không vững vì tất cả quay cuồng như ở trên không. Mãi đến một lúc sau mới hết choáng váng trong đầu”. Theo lời kể của “nhân chứng”, sau khi nằm xuống anh vẫn còn cảm giác đong đưa và lâu lâu lại muốn mắc ói. Chờ đến sáng anh gọi điện nhờ BS ở trạm y tế phường tư vấn thì được chẩn đoán là bị rối loạn tiền đình. Nghe lời khuyên từ tư vấn, sau khi uống một cốc sữa nóng và nằm nghỉ ngơi, đến trưa người đàn ông 58 tuổi đã bình phục dần.

Theo BS Thắng, chóng mặt thường có 2 dạng: Thứ nhất là chóng mặt dữ dội làm cho người bệnh thấy mọi đồ vật xung quanh mình quay tròn và cứ xuất hiện mỗi khi đổi tư thế. Đợt bệnh này có thể kéo dài vài giờ đến cả tháng. Loại thứ hai là có cảm giác xây xẩm, lâng lâng  nhưng không rõ thành cơn và nặng thêm khi di chuyển. Nhiều người cho rằng rối loạn tiền đình chỉ “dành tặng” cho người lớn tuổi và phụ nữ. Thực ra không phải như vậy. Bất kỳ đối tượng và độ tuổi nào cũng có thể “dính” rối loạn tiền đình. Trẻ em và thanh niên bị rối loạn tiền đình cũng là chuyện thực tế đã xảy ra.

Theo thống kê của y học thế giới có 1/3 người ở độ tuổi ngoài 40 đã có ít nhất 1 lần bị rối loạn tiền đình và 50% người trên 60 tuổi hay chóng mặt là do tiền đình bị rối loạn. 

Về nguyên nhân, những rối loạn có liên quan đến thăng bằng nằm ở bộ phận chỉ huy trong cơ quan tiền đình ở phía sau ốc tai cả hai bên. Là hệ thống thuộc hệ thần kinh, tiền đình có vai trò quan trọng trong việc duy trì bộ dáng, tư thế, các phối hợp cử động đầu, mắt, thân mình. Cơ thể có thăng bằng hay không là nhờ “trọng lực” của tiền đình điều phối. Khi cơ thể xoay cúi nghiêng, hệ thống tiền đình cũng nghiêng lắc theo động tác này của cơ thể giúp cơ thể có tư thế thăng bằng. Để đi được trên dây khi biểu diễn, hơn ai hết các nghệ sĩ xiếc là người có hệ thống tiền đình thăng bằng nhất. Chỉ cần một trục trặc nhỏ của hệ thống tiền đình, người làm xiếc cũng bị té ngã do không điều chỉnh được hành vi cân bằng của mình ở mức độ khó nhất.

Cắt đứt các cơn tái phát

Khi có biểu hiện rối loạn tiền đình tuyệt đối không vận động quá nhiều, hạn chế đi lại tốt nhất là nằm nghỉ tại chỗ. Nơi nằm không ồn ào mà phải yên tĩnh, tránh xa ánh nắng mặt trời. Có thể nôn ói một cách bình thường chứ không nên kiềm chế hay hãm lại. Ngoài sữa nóng, nước cam nên cho người bệnh uống thêm nước và điện giải bằng dung dịch orezol để phục hồi sức khỏe nhanh. Không để bỏ đói hoặc cố tình nhịn ăn vì như thế chỉ làm cho cơ thể mệt mỏi và thiếu sức chống đỡ. Trên thực tế nhiều người ngộ nhận rối loạn tiền đình với bệnh huyết áp, tai biến mạch máu não nên tìm thuốc uống nhưng đây là điều không nên vì rất nguy hiểm đến tính mạng. Mọi trường hợp uống thuốc và điều trị cần phải có ý kiến BS. Tuy nhiên thuốc chữa rối loạn tiền đình chỉ có thể giúp giải quyết tức thời những triệu chứng bệnh và những cơn chóng mặt cấp. Nếu bệnh nặng thì phải điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật mới mong có hiệu quả cao. Thường xuyên luyện thể dục bằng những bài tập về các bộ phận trên cơ thể có liên quan đến rối loạn tiền đình như: bài tập đầu và cổ, bài tập xoa mặt mắt tay, đi bộ hoặc chạy nhẹ. Tìm cách duy trì huyết áp ổn định, hạn chế bia rượu. Người bị rối loạn tiền đình tránh di chuyển “liều mạng” với độ cao như trèo cây, lên mái nhà, leo núi. Theo lời khuyên của các BS, một số nghề nghiệp như lái máy bay, xây dựng nhà cao ốc, chặt cây xanh thường không dành cho người bị rối loạn tiền đình. “Khi bị rối loạn tiền đình thì phải hạn chế giảm tái phát các cơn rối loạn tiền đình bằng cách ăn uống đủ chất, tránh stress do làm việc suy nghĩ căng thẳng, không thay đổi tư thế quá đột ngột” - BS Thắng lưu ý.

Ngọc Quang