Thứ bảy, 29/5/2010, 16h05

Rót 4.000 tỷ, sinh viên vẫn chờ nhà ở

Chính phủ đã hỗ trợ cho TPHCM đến 4.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu để đầu tư cho hàng loạt dự án xây dựng ký túc xá (KTX), tạo chỗ ở cho 100 ngàn sinh viên vào năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các dự án vẫn ì ạch.

Dời mục tiêu tạo 30 ngàn chỗ ở sang năm sau

Để hỗ trợ mục tiêu tạo 100 ngàn chỗ ở cho sinh viên của TPHCM, ngoài việc được cấp số vốn lớn, thành phố cũng đã được trao những cơ chế ưu tiên, ưu đãi đặc biệt như cho phép tăng hệ số sử dụng đất lên1,5 lần; tăng mật độ xây dựng, tăng chiều cao công trình... Đồng thời, các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai cũng được Chính phủ và các bộ ngành kịp thời giải quyết.
Bao giờ TPHCM mới có đủ những ký túc xá tiện nghi như thế này để phục vụ sinh viên? . Ảnh: T.H
Về phía thành phố, một ban chỉ đạo chương trình xây dựng KTX SV, phó ban thường trực là Giám đốc Sở Xây dựng cũng đã được thành lập. Đây là những điều kiện tiên quyết giúp thành phố tạo bước đột phá, tập trung triển khai, hoàn tất các dự án.
Tuy nhiên, thực tế việc giải quyết chỗ ở cho sinh viên phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành các khu KTX của Đại học Quốc gia TPHCM (đặt tại Thủ Đức, TPHCM và Bình Dương) bởi tại đây sẽ đảm trách việc giải quyết hơn một nửa số chỗ ở cho SV trong số 100 ngàn chỗ ở. Thế nhưng, các dự án ở đây cũng chỉ vừa lần lượt khởi công và hiện còn ngổn ngang.
Các dự án xây dựng KTX SV khác tại quận 9, quận 7... cùng được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đợt này cũng vậy: Đại học Tôn Đức Thắng chỉ có một khu được hoàn thành vào cuối năm nay, một khu khác phải đến cuối năm 2011 mới có thể đón SV vào ở. Các KTX của trường Đại học Sư phạm, cơ sở 2 của trường Đại học GTVT và Đại học Văn hóa cũng chỉ có thể đưa vào sử dụng từ năm 2011.
Như vậy, mục tiêu hoàn tất 28 khối nhà KTX với 30 ngàn chỗ ở cho sinh viên trong giai đoạn 2009 - 2010 trên địa bàn thành phố sẽ phải dời sang năm 2011. Vì vậy, tân SV muốn được vào ở KTX năm học 2010 - 2011 này sẽ vẫn phải trải qua những điều kiện xét duyệt ngặt nghèo.
Thủ tục rườm rà, SV chịu thiệt
 TPHCM hiện có tới 328.500 sinh viên (SV) theo học bậc ĐH-CĐ và 70% trong số này là SV đến từ các tỉnh. Tuy nhiên, các khu KTX mới chỉ đáp ứng 17% nhu cầu nội trú của SV.

Là một trong những trường đầu tiên của thành phố được đầu tư xây dựng KTX từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đợt này sang Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 (CĐXD 2) vẫn thiếu chỗ ở cho sinh viên, Thạc sỹ Chu Văn Quyết, Hiệu trưởng này chia sẻ: Hiện tại, SV theo học tại trường lên tới gần 7.000 người, một nửa trong số này có nhu cầu về chỗ ở.

Nhu cầu bức xúc là vậy, nhưng nhà trường mới chỉ có 2 dãy KTX, chỉ giải quyết được chỗ ở cho 760 SV có hoàn cảnh khó khăn hoặc thuộc diện ưu tiên, ưu đãi, số còn lại đều phải tự lo tìm chỗ ở bên ngoài...
Tìm hiểu về quá trình triển khai dự án xây dựng KTX tại Trường CĐXD2, chúng tôi được biết, dù được triển khai nhanh hơn các dự án khác do công trình được xây dựng ngay trên khuôn viên có sẵn của nhà trường nên không tốn thời gian thực hiện đền bù, giải tỏa, song dự án cũng đang trong tình trạng ì ạch.
Cụ thể, từ lúc được Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương vào tháng 6-2009, chỉ riêng thời gian chờ điều chỉnh quy hoạch xây dựng tổng thể, chấp thuận các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc... đã phải mất gần nửa năm, sau đó công trình này mới được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM duyệt và đề xuất với UBND thành phố chấp thuận.
Tiếp đó, việc sắp xếp, bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án cũng phải chờ các sở ngành họp, tính toán cân nhắc, rồi thời gian chờ xét đưa vào danh mục công trình xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ...
Tổng cộng, phải tốn hơn một năm nhưng dự án chỉ hoàn tất một số thủ tục ban đầu. Hiện tại, dự án đang ở giai đoạn đã được duyệt danh sách bố trí vốn và đã được thành phố chấp thuận cho ghi vốn vào năm 2011. Điều này có nghĩa, khoảng một năm nữa, dự án mới có thể khởi công và dù có đẩy nhanh tiến độ cỡ nào thì cũng phải đến năm 2013, SV mới có chỗ ở.
Trao đổi với phóng viên, ông Chu Văn Quyết cho biết nhà trường đang trình phương án cho triển khai sớm dự án bằng nguồn vốn vay hoặc bằng vốn ứng trước. Có như thế mới kịp giải quyết nhu cầu bức thiết về chỗ ở của SV.
Đức Thắng / Tiền Phong