Thứ bảy, 14/7/2018, 23h06

Rớt lớp 10 THPT công lập: Giáo dục thường xuyên sự lựa chọn cho nhiều HS

Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm 2018 tại TP.HCM có khoảng 20 ngàn HS rớt. Để đảm bảo chỗ học cho những em này, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, các trung tâm giáo dục thường xuyên (TT GDTX), trường THPT ngoài công lập, trường trung cấp nghề hiện có nhu cầu tuyển khoảng 30 ngàn HS. Theo đó, khá nhiều HS rớt lớp 10 công lập đã chọn học tại các TT GDTX. Bởi theo học tại đây các em được hưởng không ít quyền lợi...

Tiết học của cô trò TT GDNN-GDTX Q.Tân Phú. Ảnh: M.Ph

Chương trình phù hợp năng lực

Chiều 13-7, anh T. (phụ huynh một HS vừa rớt lớp 10 công lập) đã đến TT GDNN-GDTX Q.10 mua hồ sơ nhập học cho con trai.

Anh T. chia sẻ: “Chương trình giảng dạy của hệ GDTX hiện nay cũng là chương trình bậc THPT. Kết thúc khóa học, HS cũng tham gia chung kỳ thi THPT quốc gia, nhận cùng bằng cấp. Đây là cơ hội giúp người học học tiếp CĐ, ĐH nếu muốn”.

Cũng theo anh T., trong kỳ thi lớp 10 công lập vừa qua, con trai anh (HS Trường THCS Kim Đồng, Q.5) không đủ điểm nguyện vọng 1 vào Trường THPT Diên Hồng đã đăng ký trước đó, đồng thời cũng trượt luôn nguyện vọng 2, 3 ở các trường khác. Ban đầu gia đình anh T. có dự định đăng ký cho con vào trường dân lập nhưng sau khi tìm hiểu, so sánh chương trình học, thi cử, bằng cấp, học phí... thì quyết định chọn GDTX vì thấy môi trường, điều kiện học phù hợp với năng lực học tập của con và phù hợp với kinh tế gia đình hơn. 

Tại TT GDNN-GDTX Q.10, Lê Tuấn - HS lớp 11C1 của TT - cho biết: “Những HS có học lực trung bình thì việc vào học GDTX là phù hợp nhất. Chương trình chỉ tập trung bảy môn (văn, toán, lý, hóa, sinh, sử, địa) nên giúp HS có nhiều thời gian ôn tập kiến thức căn bản. Hơn nữa, yêu cầu chương trình học nhẹ nhàng, người học không quá áp lực điểm số và ít phải học thêm, luyện thi bên ngoài”.

Hai năm trước, Tuấn thi lớp 10 vào Trường THPT Nguyễn An Ninh và Trường THPT Sương Nguyệt Anh, tuy nhiên tất cả các nguyện vọng đều không đạt. Lúc này, Tuấn đã có ý định nghỉ học ở nhà phụ giúp công việc gia đình, hoặc tìm một công việc để làm tăng thu nhập. Tuy nhiên vì vẫn muốn học tiếp để nhận bằng tốt nghiệp THPT và có được cơ hội học cao hơn nên Tuấn quyết định đăng ký học GDTX. Qua hai năm học tập, Tuấn không gặp phải áp lực bài vở. Dự định sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Tuấn sẽ đăng ký vào một trường CĐ nghề hoặc trung cấp dược, vừa là ước mơ vừa phù hợp với khả năng bản thân.

Cũng theo Tuấn, ngoài kiến thức cơ bản, các hoạt động của GDTX cũng tương tự trường THPT. HS cũng được tham gia hoạt động Đoàn, phong trào thanh niên như Hội trại 9-1; Đi xe đạp vì môi trường văn hóa giao thông; Cùng non sông cất cánh; Hoa phượng đỏ. Hay các hoạt động văn thể mỹ, câu lạc bộ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, các buổi ngoại khóa, về nguồn, tư vấn nghề nghiệp, sức khỏe... Qua đó người học có điều kiện rèn luyện và phát triển kỹ năng sống.

99,53% HS đậu tốt nghiệp

Đây là kết quả mà TT GDNN-GDTX Q.12 đạt được trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Bà Trần Thị Huyền - Giám đốc TT cho biết: “Tỉ lệ tốt nghiệp này được đánh giá cao hơn tỉ lệ chung của TP.HCM, trong đó nhiều HS đạt 7,5 đến 8 điểm các môn văn, sử, địa. Và hàng năm, kết quả đậu CĐ, ĐH luôn trên 60%  trong tổng số hơn 1.500 HS”.

Theo bà Huyền, những HS không đủ cơ hội vào học lớp 10 THPT công lập thì GDTX chính là cơ hội tiếp nối ước mơ cho các em. Bởi điều kiện vào học chỉ cần giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS, giấy tạm trú... Ngoài học ít môn, chương trình học nhẹ nhàng, không áp lực học thêm, luyện thi thì học phí không cao và HS còn được hưởng các chế độ, chính sách miễn, giảm học phí như HS hệ công lập. Mặt khác, HS có thể vừa học văn hóa buổi tối, vừa làm thêm ban ngày để tăng thu nhập. Tại TT GDNN-GDTX Q.12 có đến 50% HS vừa học vừa làm, giúp các em sớm trưởng thành về tâm lý, suy nghĩ vì có điều kiện trải nghiệm, cọ xát thực tế. Đối với những HS có nhu cầu học, nâng cao kỹ năng tiếng Anh, tin học vẫn có thể đăng ký tham gia học bình thường.

Đến thời điểm hiện tại, TT GDNN-GDTX Q.12 đã nhận đủ chỉ tiêu 500 HS. Song, để tạo điều kiện cho những HS khác, hiện TT vẫn tiếp tục nhận hồ sơ đến ngày 10-8.

Ngoài Q.12, nhiều TT khác cũng đang trong thời gian tuyển sinh. Tại các TT GDNN-GDTX Q.11, Tân Bình, Hóc Môn... số lượng nộp hồ sơ khá nhiều.

Như TT GDNN-GDTX huyện Hóc Môn, chỉ tiêu năm nay khoảng 400-500 HS. Bà Nguyễn Thị Sử - Giám đốc TT - thông tin: “Những ngày này có nhiều phụ huynh đến nộp hồ sơ cho con vào học. Thời gian tuyển sinh của TT sẽ kết thúc vào đầu tháng 8”.

Tương tự TT GDNN-GDTX Q.11, anh Đỗ Minh Sơn (cán bộ TT) - chia sẻ, những ngày này, ngày nào cũng có phụ huynh đến mua hồ sơ nhập học cho HS.

Được biết, kể từ tháng 9-2017, 24 TT GDTX do Sở GD-ĐT TP.HCM quản lý được bàn giao về các quận, huyện quản lý và sáp nhập với TT dạy nghề, TT kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, xây dựng thành TT GDNN-GDTX. Ngoài đào tạo ngoài văn hóa, chương trình còn kết hợp GDNN.

Ông Lê Công Thành - nguyên Giám đốc TT GDTX Q.Bình Tân - cho rằng, cách kết hợp này sẽ tăng cơ hội lựa chọn học tập cho HS. Những HS nào muốn đi làm ngay sau khi học xong GDTX thì có thể đăng ký học nghề. Ngược lại muốn học lên cao thì tiếp tục học văn hóa. Như vậy, HS có thể nhận cùng lúc bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp nghề sau khi hoàn thành hệ GDTX.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, 36 TT GDNN-GDTX hiện nay với hơn 1.000 giáo viên, trong đó 100% đạt chuẩn đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở khối này trên địa bàn TP. So với HS THPT công lập, tỉ lệ tốt nghiệp khối GDTX luôn tăng cao mỗi năm. Nhiều HS đạt các giải cao trong những kỳ thi HS giỏi các cấp như thi Olympic tháng 4, giải toán trên máy tính cầm tay...

Minh Phương