Thứ bảy, 9/12/2017, 22h10

Rượu biến thành “thần dược”?

Mặc dù thường xuyên bị lực lượng chức năng bắt giữ và tịch thu nhưng các loại rượu ngâm từ cây thuốc gây nghiện như cần sa, anh túc vẫn tìm cách len lỏi vào thị trường với những lời đồn thổi như tăng cường bản lĩnh đàn ông, chữa ung thư mà chưa có một cơ sở khoa học nào. Điều này, khiến không ít bệnh nhân lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Rượu anh túc được quảng cáo bán trên mạng. Ảnh: T.L

Rượu chữa ung thư?

Cách đây 10 năm, nhiều người đã biết đến rượu anh túc có xuất xứ từ các tỉnh miền núi phía Bắc mà chủ yếu là tỉnh Yên Bái có màu đen đặc sánh được quảng cáo là chữa được nhiều bệnh như giảm đau, chống nhức mỏi khi gặp tai nạn và cả yếu sinh lý cho đàn ông. Theo lời đồn thổi, rượu anh túc còn hỗ trợ cho các cặp vợ chồng sinh con theo ý muốn nghĩa là thích đẻ con trai là được nếu uống loại rượu này vào. Tuy nhiên thực tế thì không hề có như vậy.

Theo báo cáo của BV Ung bướu TP.HCM, trung bình mỗi năm số BN đến điều trị tăng 10% so với năm trước. Rõ ràng căn bệnh ung thư đang là gánh nặng cho từng gia đình và cả xã hội. Không chỉ điều trị theo đúng phác đồ của BS, nhiều người quá lo lắng còn đi tìm thầy tìm thuốc bên ngoài để mau hết bệnh. Vì thế chỉ nghe lời đồn của ai đó về các loại thuốc dân gian là họ tìm cách săn lùng để chữa căn bệnh nan y này. Nếu trước đây, rượu ngâm cây anh túc hút hàng do được đồn thổi là khắc phục tình trạng yếu sinh lý của cánh mày râu thì nay lại có thêm một phát hiện mới là chữa được cả ung thư. Vì thế hiện trên thị trường có rất nhiều lời rao về công dụng chữa được bệnh ung thư và không hề bị nghiện của loại rượu này. Dù chưa có cơ sở khoa học nhưng nhiều người vẫn tin đây là một thần dược còn chữa được các căn bệnh đau bụng, bệnh về đường ruột, bệnh dạ dày như một vị thuốc đặc hiệu. Tại một quán nhậu nổi tiếng trên đường Bạch Đằng, Q.Gò Vấp sau khi giới thiệu một bình rượu khoảng 5 lít rượu anh túc, chủ quán tên M.  khẳng định như đinh đóng cột: “Rượu anh túc này chỉ có ở ngoài Bắc đưa vào ngâm bằng cây và hoa thuốc phiện không phải tiệm nào cũng có. Không chỉ chữa nhức mỏi, giảm đau mà nó còn chữa được các căn bệnh nan y như ung thư và HIV vì làm giảm quá trình phát triển của bệnh ung thư”. Theo ông chủ, cũng vì có nhiều tác dụng chữa bệnh nên rượu anh túc luôn là hàng hiếm và giá cả thì không “mềm” chút nào.

Coi chừng gây nghiện

Lương y Đinh Công Bảy - Tổng thư ký Hội dược liệu TP.HCM cảnh báo, nếu sử dụng loại rượu này liên tục thì sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, có khả năng tê liệt, giảm trí nhớ. Nặng thì ảnh hưởng đến gan, thận kèm theo các bệnh về tiêu hóa, tim mạch. Theo lương y Đinh Công Bảy, trong các loại cây gây nghiện này đều có chất heroin, morphin... nếu quá liều dễ bị ngộ độc và tử vong rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người. 

Thực tế cho thấy, loại rượu anh túc khi uống vào cũng không khác gì mấy với các loại rượu khác. Anh Hoàn, ngụ ở Q.Tân Phú cho hay: “Tôi đã từng uống thử loại này rồi. Ban đầu uống vào có cảm giác sảng khoái và tỉnh táo nhưng sau đó lại bị ợ hơi mắc ói, ngái ngủ khó chịu. Sau khi uống hết một bình vợ vẫn sinh con gái và còn bị vợ cấm không cho uống tiếp”. Đây chính là triệu chứng của biểu hiện lâm sàng do chất gây nghiện có trong rượu đưa lại. Lúc đầu có hưng phấn ai cũng nghĩ tác dụng tốt nhưng sau đó lại có phản ứng ngược ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng và dễ bị ghiền không có không chịu được. Nếu sử dụng thường xuyên thì có thể gây nghiện là điều khó tránh khỏi.

Lương y Đinh Công Bảy - Tổng thư ký Hội dược liệu TP.HCM cảnh báo, nếu sử dụng loại rượu này liên tục thì sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, có khả năng tê liệt, giảm trí nhớ. Nặng thì ảnh hưởng đến gan, thận kèm theo các bệnh về tiêu hóa, tim mạch. Theo lương y Đinh Công Bảy, trong các loại cây gây nghiện này đều có chất heroin, morphin... nếu quá liều dễ bị ngộ độc và tử vong rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người. 

GS.TS Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết: “Trong một số bài thuốc đông y, chỉ có nhựa chích từ quả cây anh túc được chiết xuất thành thuốc phiện sẽ được dùng với số lượng rất nhỏ nhằm để phối hợp điều trị một số chứng bệnh. Nhựa cô đặc từ quả anh túc hay còn gọi là thuốc phiện vốn vẫn được dùng như một biệt dược để khống chế những cơn đau, tăng hưng phấn, kích thích chức năng tiêu hóa. Nếu dùng quá liều lượng sẽ gây nghiện, có hại cho hệ thần kinh”.

Còn đối với việc dùng thân, rễ, lá cây anh túc để ngâm rượu, ông Bình khẳng định, loại rượu này chẳng có tác dụng gì đặc biệt cả. Theo ông Bình, các hoạt chất gây nghiện của cây anh túc tồn tại ở cả thân, lá, rễ nhưng với hàm lượng rất nhỏ khi đem ngâm với rượu chắc chắn không thể chữa khỏi các loại bệnh như những người bán thứ rượu này quảng cáo. Uống rượu ngâm cây anh túc mà sinh được con trai lại càng hoang đường. GS.TS Bình cũng khuyến cáo người sử dụng loại rượu ngâm anh túc hay bất kỳ loại rượu ngâm từ thảo mộc có nguy cơ dễ bị ngộ độc cao nếu dùng quá liều lượng. Sẽ nguy hiểm hơn nếu những loại rượu đó được ngâm, tẩm chui, không được kiểm soát.

Quang Phan