Thứ sáu, 23/10/2015, 12h29

Rút ngắn khoảng cách với đảo xa

Trung úy Phạm Văn Hà đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175

Thời gian gần đây, những ca phẫu thuật, hội chẩn trực tuyến có sự phối hợp giữa đất liền và bệnh xá ngoài quần đảo Trường Sa thông qua hệ thống kết nối truyền hình trực tuyến (hệ thống Telemedicine) đã đem đến nhiều tín hiệu đáng mừng. Những người gắn đời mình với đảo càng yên tâm công tác, bảo vệ vùng trời bình yên của Tổ quốc.

Trường hợp cụ thể

Trước đây, cán bộ chiến sĩ, ngư dân trên quần đảo Trường Sa gặp nhiều khó khăn trong việc khám chữa bệnh. Giờ đây, nỗi lo đó dường như đã vơi bớt phần nào khi các kết quả xét nghiệm, hình ảnh X quang, siêu âm... của bệnh nhân được truyền tải về Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), các bác sĩ ở đây và bác sĩ ngoài đảo cùng nhau thảo luận chẩn đoán và thống nhất phương pháp điều trị. Nhờ sự chung sức, chung lòng, những ý kiến tư vấn, chỉ đạo từ Bệnh viện 175 đã giúp các bác sĩ của quần đảo Trường Sa vững tâm hơn. Với những ca nặng, sự hỗ trợ kịp thời bằng các phương tiện cấp cứu, máy bay từ đất liền đã hạn chế những rủi ro đáng tiếc.

Ngày 16-10 vừa qua, trường hợp của Trung úy Phạm Văn Hà (35 tuổi), công tác tại Quân chủng Hải quân, đảo Thuyền Chài của quần đảo Trường Sa đã một lần nữa khẳng định sức mạnh của việc ứng dụng phương tiện hiện đại và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ y, bác sĩ. Khi đang làm nhiệm vụ tuần tra canh gác trên đảo Thuyền Chài giữa trời mưa gió rất lớn, Trung úy Phạm Văn Hà bị ngã ngửa đập xuống bờ đá. Ngay sau khi bệnh nhân được đưa về Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn, Bệnh viện Quân y 175 đã tổ chức hội chẩn qua hệ thống Telemedicine. Chủ trì hội chẩn là Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cùng các bác sĩ chuyên khoa Ngoại Thần kinh, Hồi sức, Chấn thương... của Bệnh viện 175. Sau gần hai tiếng đồng hồ hội chẩn trực tuyến, Bệnh viện Quân y 175 đã có phương án xử lý kịp thời để tìm cách đưa bệnh nhân về đất liền tiếp tục điều trị. Ngay khi thủy phi cơ DHC-6, số hiệu VNT-773 thuộc Lữ đoàn 954, Quân chủng Hải quân vừa hạ cánh xuống Sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, đưa bệnh nhân Trung úy Phạm Văn Hà từ huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa về đất liền, xe cứu thương của Bệnh viện Quân y 175 trực sẵn tại sân bay, sẵn sàng vận chuyển bệnh nhân. Đại tá, bác sĩ Chu Anh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Quân y 175 cho biết: “Trường hợp của Trung úy Phạm Văn Hà được xác định là chấn thương sọ não, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được mổ sớm. Chúng tôi đã quyết đoán, kịp thời xử trí nhanh nhất trong khả năng có thể để không nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân”.

Chung sức

Thời gian qua, nhiều trường hợp như viêm ruột thừa, đẻ mổ, chấn thương do tai nạn lao động trên quần đảo, chảy máu dạ dày... đều được cấp cứu ngay tại đảo thông qua hệ thống Telemedicine. Ban chỉ đạo và tư vấn kỹ thuật của Bệnh viện 175 theo sát từng giây của mỗi ca cấp cứu. Giây phút các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 mổ trực tuyến thành công cho một sản phụ trên đảo, niềm vui không nói hết được thành lời. “Có những ca rất đơn giản và bình thường đối với các bệnh viện ở đất liền như đẻ mổ nhưng ở tận ngoài đảo xa thì đó không phải là điều đơn giản. Nhiều đêm thức trắng để hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ đều ý thức được tinh thần, trách nhiệm của mình. Mới đây, sau khi thức trắng đêm hội chẩn trực tuyến mổ cứu thủy thủ tại Bệnh xá đảo Trường Sa, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 cùng trực thăng đưa bệnh nhân về TP.HCM để tiếp tục điều trị”, Đại tá, bác sĩ Chu Anh Tùng chia sẻ. Vận chuyển bệnh nhân bằng máy bay trong tình trạng nguy kịch là điều hết sức khó khăn. Có những chuyến bay cấp cứu vào ban đêm, bay trên biển, điều kiện khí tượng phức tạp. Đôi khi, thời tiết xấu buộc phải đổi lộ trình. Tuy nhiên, các bác sĩ đều nỗ lực đến cùng để cứu bệnh nhân bởi họ hiểu rằng, được chăm sóc sức khỏe cho chiến sĩ, người dân và ngư dân trên quần đảo Trường Sa chính là mình đang góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. 

Khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng trong công tác y tế biển đảo hiện nay. Đằng sau thành công của mỗi ca phẫu thuật, hội chẩn trực tuyến là mồ hôi, công sức của tất cả những người ở đất liền và đảo xa cùng tham gia. Thiết nghĩ, việc chăm sóc sức khỏe của cán bộ chiến sĩ, người dân ở các vùng biển đảo cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ nhiều phía. Điều này sẽ tạo nên động lực để những con người tình nguyện gắn đời mình với đảo tiếp tục an tâm vươn khơi, bám biển, bảo vệ vùng trời của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Yên Hà

Phương tiện hỗ trợ đắc lực

Hệ thống kết nối truyền hình trực tuyến (Telemedicine) được xem là một trong những phương tiện hỗ trợ rất đắc lực và hiệu quả cho việc đảm bảo quân y biển đảo. Nhờ đó, những ca nặng không phải chuyển vào đất liền và giảm rủi ro cho bệnh nhân khi chuyển viện. Bên cạnh đó, nhờ sự chung sức, chung lòng đã giúp quá trình chữa trị cho bệnh nhân tại quần đảo Trường Sa đạt hiệu quả điều trị cao.