Thứ hai, 26/10/2009, 15h10

Sách phục vụ dạy và học tiếng các dân tộc thiểu số

Nhân kỉ niệm 30 năm thành lập NXBGD tại TP.HCM (1979 - 2009) và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam, một sự kiện chính trị - xã hội đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sẽ tổ chức vào tháng 5 năm 2010, NXBGD vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Nhà xuất Giáo dục Việt Nam làm sách phục vụ dạy - học tiếng các dân tộc thiểu số.
Tác phẩm này tập hợp những bài viết liên quan đến công tác làm sách tiếng các dân tộc thiểu số của NXBGD trong mấy chục năm qua. Sách gồm bốn phần chính:
Phần một giới thiệu những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và giáo dục dân tộc. Từ những nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng và Nhà nước, bạn đọc có thể nhận thấy sự cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và công tác giáo dục dân tộc. Hạt nhân cơ bản của những quan điểm đó là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách dân tộc ở nước ta: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”.
Phần hai trình bày những vấn đề liên quan đến dạy - học tiếng dân tộc thiểu số và công tác chỉ đạo dạy - học tiếng dân tộc thiểu số ở nhà trường hiện nay. Từ các vấn đề này, các tác giả làm nổi bật ý nghĩa văn hóa - xã hội của công tác giáo dục dân tộc và vai trò của việc làm sách dân tộc.
Phần baPhần bốn giới thiệu những thành quả đã đạt được trong công tác làm sách dân tộc của NXBGD. Thông qua các bài viết của những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc như: các nhà quản lí, nhà khoa học, nhà sư phạm, nhà giáo thuộc nhiều dân tộc khác nhau trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam... bạn đọc có thể nắm được quá trình làm sách tiếng dân tộc, từ khâu xây dựng chương trình môn tiếng dân tộc, việc tổ chức biên soạn, biên tập đến khâu thẩm định, xuất bản, và đưa sách đến với đời sống giáo dục.
Trong sách, cũng có một số bài viết nêu ra các vấn đề lí luận ngôn ngữ liên quan đến việc biên soạn sách giáo khoa dân tộc, sách song ngữ..., và rất nhiều bài viết đề xuất những vấn đề cần tháo gỡ liên quan đến chính sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc, chính sách đầu tư cho việc làm sách dân tộc và các thiết bị dạy - học phục vụ công tác giáo dục dân tộc, những biện pháp để đưa sách đến với đời sống giáo dục thông qua nhiều con đường khác nhau, trong đó có công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần tạo ra sự công bằng về cơ hội học tập và đảm bảo quyền bình đẳng trong giáo dục của các dân tộc thiểu số.
HỒNG CHÂU