Thứ bảy, 6/1/2018, 23h20

Sân chơi nhà khoa học nhí

Không đơn thuần là tạo ra một sân chơi khoa học, câu lạc bộ Khoa học vui của Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (TP.HCM) còn giúp bồi đắp, gieo vào lòng học sinh tình yêu và đam mê nghiên cứu khoa học.

Học sinh làm thí nghiệm sự tồn tại của áp suất khí quyển

Đúng như cái tên Khoa học vui, bằng những thí nghiệm hết sức đơn giản, tận dụng những vật liệu có sẵn như chai, lọ, nước rửa chén, hoa quả, thậm chí… lá trên sân trường, câu lạc bộ đã mang đến cho học sinh những trải nghiệm hiện tượng và kiến thức lý thú về khoa học.

Các thí nghiệm thú vị

“Học trò nhỏ thật ra rất yêu thích khoa học nhưng lại ít có cơ hội để trải nghiệm”, đó là lý do cô Nguyễn Thị Thanh Hoa (giáo viên môn sinh học trong trường) thành lập câu lạc bộ Khoa học vui.

Theo cô Thanh Hoa, dù chỉ là những kỹ năng cơ bản như viết báo cáo thí nghiệm, thực hành thí nghiệm nhưng qua những hiện tượng lý thú, các em sẽ tò mò, tự tìm kiếm, tự biết và hiểu được các kiến thức liên quan. “Giáo viên chỉ là cố vấn, còn học sinh sẽ tự hướng dẫn lẫn nhau, tự dạy nhau thực hiện. Điều này mang đến cho các em trải nghiệm của những nhà khoa học thực thụ”, cô Thanh Hoa nói.

Chủ nhiệm câu lạc bộ Trần Ngọc Hiếu (học lớp 10I) cho biết: “Trong học kỳ 1 vừa qua, câu lạc bộ đã thực hiện được nhiều thí nghiệm vui. Cụ thể như thí nghiệm vật lý về áp suất khí quyển; thí nghiệm co nguyên sinh và phản co nguyên sinh; thí nghiệm về đá khô; về tách ADN; băng khô và pin trái cây, bong bóng ma thuật”. Theo Ngọc Hiếu, các thí nghiệm đều hướng tới yếu tố đơn giản, tận dụng những vật liệu có sẵn, dễ dàng thực hiện nhưng lại rất lý thú. Bạn nào cũng hào hứng, tỉ mẩn và nghiêm túc, có cảm giác y như mình đang là một nhà khoa học vậy.

“Bằng thí nghiệm đục lỗ trên chai đựng nước đậy nắp kín mà nước không bị chảy ra ngoài, chúng em nhận ra sự tồn tại của áp suất khí quyển. Hay thí nghiệm co nguyên sinh và phản co nguyên sinh thực chất chỉ là hiện tượng rau sống hay lá cây khi ngâm trong nước với nồng độ muối khác nhau sẽ có phản ứng héo khác nhau. Đá khô là khí CO2 dưới dạng nén, dễ dàng quan sát được khi uống rượu sâm banh, hơi bay ra do gặp lạnh. Còn băng khô lại là hiện tượng kết tinh của muối. Thú vị nhất phải kể đến hiện tượng pin trái cây khi trái cây có tính axit như trái chanh, cam cũng có thể tạo ra dòng điện để thắp sáng đèn led”, Ngọc Hiếu giải thích.

Vui chơi… có thưởng

Thưởng ở đây, theo nhiều phụ huynh chính là kiến thức khoa học và niềm đam mê sáng tạo của con em mình khi tham gia câu lạc bộ. “Chỉ trong một học kỳ tham gia câu lạc bộ, con tôi dường như đã trưởng thành hơn rất nhiều. Con còn giải thích cho tôi hiểu tại sao lại có hiện tượng này, hiện tượng kia. Câu lạc bộ thật sự là một sân chơi rất bổ ích khi học sinh ngày nay có quá nhiều những thú vui vô bổ”, phụ huynh em Trương Ngọc Minh chia sẻ.

Làm thí nghiệm tạo ra dòng điện để thắp sáng đèn led từ… trái chanh

Vào mỗi chiều thứ 5 hàng tuần, từ 3 giờ đến 4 giờ 30 là thời gian câu lạc bộ nghiên cứu khoa học. Cũng có những thí nghiệm thất bại khi không tạo ra được hiện tượng như thí nghiệm về băng khô. Tuy nhiên, qua đó, các thành viên cũng hiểu ra được vì sao thí nghiệm thất bại. Điều này cũng thật sự rất quan trọng. “Có những hiện tượng rất hay gặp thường ngày như bong bóng xà phòng, rau bị héo khi ngâm nhiều nước muối, trái cây có nhiều màu sắc khác nhau nhưng không phải ai cũng có thể giải thích được điều đó. Qua những thí nghiệm vui, chúng em hiểu ra bản chất và lý giải được hiện tượng tưởng chừng đơn giản”, Nhật Huy (thành viên câu lạc bộ) chia sẻ.

Theo cô Thanh Hoa, mô hình câu lạc bộ chính là nơi dạy học theo hướng STEM. Mỗi một thí nghiệm, các em vừa học được kiến thức về hóa, sinh, lý, khoa học, tự nhiên mà còn học được cách trình bày một bản báo cáo thí nghiệm. “Quan trọng nhất là vun đắp cho các em tình yêu, đam mê nghiên cứu, tìm tòi, không ngừng đặt ra câu hỏi trước những hiện tượng xung quanh”, cô Thanh Hoa nhấn mạnh.

Yến Hoa