Thứ bảy, 24/12/2011, 12h12

Sân khấu 2011: Một năm rộn ràng

Cảnh trong vở Bên cầu dệt lụa. Ảnh: Đỗ Hạnh

Nhìn lại sân khấu TP.HCM trong năm 2011, một điều có thể nhận thấy là rất rộn ràng với nhiều vở diễn, nhiều liveshow được đầu tư về chất lượng, hiệu quả nghệ thuật cao, tạo được dấu ấn đẹp trong lòng khán giả.
Kịch nói mang tính đột phá
Năm 2011, có thể ghi nhận sự nỗ lực của sân khấu IDECAF với hai vở Ca sĩ ngôi sao (đạo diễn Vũ Minh) và Quyền lực của tình yêu (đạo diễn Hữu Châu). Mặc dù chỉ có bốn nghệ sĩ tham gia nhưngCa sĩ ngôi sao đã thu hút khán giả bởi nội dung đi vào những vấn đề nhức nhối của hậu trường sân khấu khiến người trong cuộc phải đắng lòng. Đặc biệt là cách dàn dựng rất độc đáo của đạo diễn Vũ Minh trong việc xây dựng bố cục vở diễn, tình tiết, hành động của các nhân vật đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tuy không “đình đám” bằng các vở kịch lịch sử Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử nhưng Quyền lực của tình yêu dù là kịch thơ nhưng thành công bất ngờ vì sự sang trọng trong cách dàn dựng của đạo diễn Hữu Châu. Âm nhạc, thiết kế sân khấu và phục trang góp phần tạo dấu ấn đậm nét cho tác phẩm cổ trang này. Lần đầu tiên dựng kịch thơ, Hữu Châu đã mang đến nhiều điều thú vị cho khán giả. Vở kịch Con nhà nghèo (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Hồ Biểu Chánh) trên sân khấu Kịch Phú Nhuận cũng được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Sau hàng loạt những vở kịch Bắc ăn khách, sân khấu Kịch Phú Nhuận dàn dựng tác phẩm thuộc dòng văn học Nam bộ đầu thế kỷ XX như là một thử nghiệm mới. Nhờ phần âm nhạc hay cùng với những điệu lý, dân ca, cảnh trí được đầu tư và thiết kế công phu, kết hợp với trang phục, khán giả được hòa quyện vào một không gian đúng chất Nam bộ xưa. Những ngày cuối năm, sân khấu này cũng ra mắt phiên bản mới của vở kịch văn học hiện thực phê phán Cô gái ăn cắp (chuyển thể từ tác phẩm Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng).Vở kịch đã tái hiện một thời kỳ đen tối của xã hội Việt Nam cách đây 8 thập niên. Vai diễn Tám Bính trước đây do Cát Phượng thể hiện nay được thay bằng Lan Phương; vai Năm Sài Gòn của Thái Hòa, được thay bằng Đức Thịnh cũng tạo được dấu ấn với khán giả. Vở kịch xiếc Romeo và Juliet do nghệ sĩ Đoàn Bá chuyển thể kịch bản và dàn dựng, diễn viên Đoàn xiếc TP.HCM biểu diễn, cũng đã để lại ấn tượng về nỗ lực đầu tư của những người thực hiện để tìm kiếm cái mới cho sân khấu. Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B cũng ghi dấu son với vở Xấu - giả - tốt - thật đánh dấu sự trở lại của tác giả Nguyễn Thu Phương. Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh dựng lại hai vở Hãy khóc đi em (đạo diễn Ái Như) và Thử yêu lần nữa (đạo diễn Thành Hội) tạo ra những tình huống đột phá, nhất là sự chỉn chu trong thiết kế sân khấu, âm nhạc, ánh sáng khiến khán giả thật sự “say” khi thưởng thức.
Sân khấu cải lương: Hai dấu ấn đẹp
Ở lĩnh vực cải lương, dấu ấn mạnh mẽ nhất chính là các liveshow được dàn dựng hoành tráng như: Bảo Quốc - 52 năm góp với nhân gian một tiếng cười, Hoài niệm trong tôi của NSUT Kim Tử Long, Tằm mãi vương tơ của NS Vũ Luân. Một điều đáng mừng nữa là lần đầu tiên, cải lương đường hoàng bước vào biểu diễn tại phòng trà như WE (Liveshow Ngọc Giàu), Phòng trà Tiếng xưa với chương trình Dấu ấn hai thế hệ với sự tham gia của Hồng Nga, Diệu Hiền, Tấn Giao, Hữu Quốc, Mỹ Hằng… Dấu ấn tiếp theo là cải lương truyền hình đầy sức sống.Nhà hát Trần Hữu Trang phối hợp với HTVC dàn dựng lại các vở kinh điển Tần Nương Thất (đạo diễn Bạch Tuyết), Bên cầu dệt lụa (đạo diễn Trần Ngọc Giàu); sân khấu Vàng với Đêm lạnh chùa hoang, Tô Ánh Nguyệt, Sông dài, Lan và Điệp; sân khấu Kim Châu với Một ông, hai bà (đạo diễn: Cát Phượng) thật sự trẻ trung, nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần kịch bản gốc. Phim truyện cải lương trên HTV mỗi tháng cũng giới thiệu đến khán giả một vở cải lương kinh điển được làm mới lại như  Tiếng hạc trong trăng, Nửa đời hương phấn, Tình cô gái Huế, Hàn Mặc Tử… Các vở được quay theo hình thức phim truyện cải lương nên nội dung cũng được chỉnh lý lại cho phù hợp. Tạo được tiếng vang lớn là chương trình Ngân mãi chuông vàng của HTV với vở cải lương nổi tiếng một thời Tâm sự loài chim biển do NSƯT Hoa Hạ dàn dựng được HTV9 truyền hình trực tiếp. Đây là sân chơi nối dài cho các thí sinh đoạt giải các mùa thi Chuông vàng vọng cổ. Trong tình hình sân khấu cải lương đang gặp nhiều khó khăn, việc quy tụ lực lượng diễn viên trẻ để dàn dựng mỗi tháng một vở diễn kinh điển, đáp ứng nhu cầu của công chúng là một sáng kiến hay góp phần “giữ lửa” cho sàn diễn cải lương.
HIỆP THANH
Soạn giả Lê Duy Hạnh cho biết: “Với một danh sách kịch mục như thế, khán giả trong năm 2011 đã tha hồ lựa chọn để thưởng thức món ăn tinh thần ngon và bổ ích sau những giờ lao động mệt nhọc. Mong đợi cho sự thăng hoa vượt bậc của sân khấu TP.HCM trong năm 2012 là một điều có thể thực hiện được.