Thứ bảy, 19/12/2015, 11h41

Sẵn sàng học trong giá rét

Nhiều ngày qua, băng tuyết cùng lúc xuất hiện ở Sa Pa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang) và Phja Oắc (Cao Bằng). Đây cũng là lúc ngành giáo dục tại các địa phương này vào cuộc để vừa dạy vừa học, vừa tăng cường các biện pháp tránh rét cho các em học sinh (HS) ở các bậc học.

Trường học chủ động phòng chống rét

Học sinh ở Sa Pa được tặng áo ấm chống rét để đến trường mùa đông này. Ảnh: Đ.V.Tân

Có thể nói đây là nỗ lực được thực hiện một cách thường xuyên và hết sức chu đáo của đơn vị Phòng GD-ĐT Sa Pa (tỉnh Lào Cai) trong nhiều năm qua, nơi được xem là có khí hậu lạnh hơn so với các vùng lân cận. Nhiệt độ những ngày qua ở thị trấn Sa Pa theo ghi nhận từ Phòng GD-ĐT địa phương là khoảng 30C vào sáng 17 và 18-12. Các vùng lân cận có thể dao động một vài độ.

Ông Đỗ Văn Tân, Trưởng phòng GD-ĐT Sa Pa cho biết, phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương thiết lập và triển khai kế hoạch phòng chống rét cho HS ở các đơn vị trường học và các cấp học. Theo đó, hiệu trưởng các trường được chủ động theo dõi diễn tiến thời tiết, nếu nhiệt độ xuống dưới 60 thì sẽ thông báo cho phụ huynh và các em HS nghỉ học tránh rét. Ngược lại khi nhiệt độ từ 60 trở lên thì triển khai công tác giảng dạy lại như bình thường và bố trí lịch dạy bù cho các em.

Lý giải về quy định ở Sa Pa là “dưới 60C cho HS nghỉ học tránh rét”, khác với quy định chung của Bộ GD-ĐT (nhiệt độ từ 100C trở xuống, HS mầm non, TH sẽ được nghỉ học; từ 70C trở xuống HS THCS, THPT được nghỉ học), ông Tân cho hay là do đặc thù thời tiết của vùng. Và nếu như giải quyết theo quy định của bộ thì mỗi năm HS ở Sa Pa phải nghỉ đến hơn 1 tháng hoặc gần 2 tháng. Do đó, địa phương đã chọn ngưỡng chung là 60C. Tuy là quy định chung như vậy, nhưng các đơn vị có điều kiện như các trường ở thị trấn có điện, có lò sưởi và hệ thống phòng học kín đáo thì dù thời tiết là 50C nhưng vẫn duy trì việc dạy và học.

Riêng mùa đông năm nay, để chuẩn bị tốt nhất cho việc chống rét, ông Tân cho biết, Phòng GD-ĐT đã chủ động vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ về áo ấm, chăn, nệm, lò sấy quần áo cho các HS bán trú.

Không chỉ chu đáo lo vật dụng chống rét cho HS, trước khi mùa đông đến, phòng đã phối hợp với ngành y tế tổ chức cho các cán bộ y tế đến từng trường học và phổ biến cho HS cùng thầy cô giáo những kiến thức cần thiết về các căn bệnh mùa đông, cũng như cách chăm sóc sức khỏe cho các em. Theo đó, bất kỳ HS nào có vấn đề về sức khỏe do ảnh hưởng của thời tiết thì cũng được căn dặn hãy tìm đến các trạm y tế gần nhất để được điều trị, cấp cứu kịp thời.

Hiện nay trên địa bàn Sa Pa đã có Trường Mầm non Tả Giàng Phìn, TH Thị trấn và THCS Võ Thị Sáu đã bố trí cho HS nghỉ học tránh rét với tổng số khoảng gần 1.000 em.

Ông Tân khẳng định, do được chuẩn bị tốt và từ ý thức chủ động phòng chống rét cả học đường và phụ huynh, nên đến nay tình hình sức khỏe của thầy và trò ở Sa Pa vẫn ổn định mặc dù thời tiết chuyển mùa lạnh đột ngột.

Dạy - học trong điều kiện có thể

Cũng xảy ra hiện tượng băng giá như ở Sa Pa, vùng núi Phja Oắc (thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) mấy ngày qua băng giá phủ trắng xóa. Khí hậu thay đổi đột ngột cũng phần nào ảnh hưởng đến việc học tập của HS nơi đây.

Anh Trương Ngọc Hải, chuyên viên Phòng GD-ĐT Nguyên Bình xác nhận không khí lạnh mới bắt đầu vài ba hôm nay, ảnh hưởng tuy chưa thống kê được, nhưng điểm chung cho thấy mùa lạnh năm nào cũng ảnh hưởng đến việc học của các em, nhất là các em HS ở vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế của các em còn hạn chế, thiếu quần áo ấm, dinh dưỡng kém, nhiều HS đến lớp quần áo phong phanh nên dễ bệnh trong mùa rét. Nhất là những nơi không có điện, trường lớp không kín sẽ không có lò sưởi, trời quá lạnh khiến các em tiếp thu bài kém.

Theo anh Hải, với diễn tiến thời tiết ngày càng lạnh như hiện nay thì chỉ một vài tuần nữa sẽ có mưa phùn và băng tuyết. Như thế sắp tới chắc chắn sẽ có những đơn vị ở những vùng rét nhiều cho HS nghỉ học tránh rét, điển hình như các xã Phan Thanh, Thành Công, Yên Lạc… Trong đó, vất vả hơn cả có lẽ là những HS ở xã Thành Công. Nơi đây có các trường nằm gần chân núi Phja Oắc, gồm các trường TH Bản Đổng, TH Thia Đén, THCS Thành Công và Mẫu giáo Thành Công. Ở khu vực này chỉ có trường mẫu giáo là có quạt sưởi, còn các trường khác do lớp không kín nên HS phải chịu lạnh. Thậm chí nhiều em còn đến trường bằng đôi chân đất vào buổi sáng sớm khi băng tuyết chưa kịp tan.

Theo anh Hải, cho tới thời điểm này chưa có trường nào cho HS nghỉ tránh rét vì nhiệt độ ban ngày vẫn dao động ở mức 13-140C (ở vùng thị trấn). Tuy vậy vẫn có lác đác một vài HS vùng sâu, vùng xa nghỉ học do trời lạnh hơn.

Cũng như ở huyện Nguyên Bình, HS ở huyện Đồng Văn (Hà Giang) vẫn đi học bình thường do thời tiết chưa xuống quá lạnh. Một phụ huynh tên Nguyễn Văn Bảo (ngụ chợ Đồng Văn) cho biết các con anh học mẫu giáo và TH sức khỏe vẫn tốt. Được như vậy theo anh Bảo là do nhà trường đã nhắc nhở phụ huynh trang bị áo ấm đầy đủ, và cùng phối hợp chăm sóc sức khỏe cho các em khi ở nhà và khi đến lớp.

Bích Vân