Thứ ba, 6/2/2018, 20h50

San sẻ yêu thương với trẻ tự kỷ

Thương những trẻ em không may mang hội chứng tự kỷ, nhóm sinh viên đến từ Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng (Phạm Thị Ngọc, Nguyễn Thị Bảo Nhi, Nguyễn Thị Hà My và Trần Thị Thùy Ngân) đã xây dựng dự án “Yêu trẻ tự kỷ” nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin với phụ huynh giúp các em cải thiện bệnh. 

Các thành viên của dự án “Yêu trẻ tự kỷ” (mặc áo thun) chụp ảnh cùng những người quan tâm đến bệnh tự kỷ tại một buổi tập huấn

Tháng 1-2018, câu lạc bộ “Yêu trẻ tự kỷ” chính thức ra mắt, đánh dấu một hành trình đầy nỗ lực của nhóm sinh viên trên. Bạn Phạm Thị Ngọc (Chủ nhiệm câu lạc bộ, nhóm trưởng dự án “Yêu trẻ tự kỷ”) chia sẻ: “Em và các bạn trong nhóm rất vui và hạnh phúc vì đã tạo được một không gian để tất cả mọi người, nhất là các phụ huynh có con em không may mắc chứng tự kỷ có thể san sẻ kinh nghiệm cũng như những vướng mắc của mình để từ đó có cách tiếp cận, giúp con em mình tốt hơn”.

Nói về việc xây dựng dự án “Yêu trẻ tự kỷ”, Ngọc cho biết: “Em rất yêu trẻ em. Khi đi thực tập ở các trung tâm, trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ, em nhận thấy sự thiệt thòi của các em nên mong muốn làm một điều gì đó để giúp các em hòa nhập với cuộc sống bình thường. Trong những câu chuyện với phụ huynh đến đón con sau buổi học, em đọc được cả niềm băn khoăn, lo lắng, đôi khi là bối rối của họ trước câu hỏi làm thế nào để hiểu được con, giúp con tự tin và mở lòng đón nhận những điều bình thường của cuộc sống như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Nhiều phụ huynh có con tự kỷ chưa có kiến thức, không am hiểu về căn bệnh này, vì vậy kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ còn rất hạn chế. Từ đó em nảy ra ý tưởng thực hiện dự án”.

Có ý tưởng, Ngọc tìm kiếm cộng sự và viết kế hoạch chi tiết cho dự án. Tiếp đó, Ngọc lập trang fanpage nhằm kết nối cộng đồng và chia sẻ kinh nghiệm. “Chúng em bắt đầu tìm kiếm thông tin để chia sẻ với các phụ huynh và những ai quan tâm đến bệnh tự kỷ. Sau đó, phối hợp với các tổ chức chuyên môn để tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn kiến thức, kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ tự kỷ cho mọi người…”, Ngọc cho biết.

Theo Ngọc, trẻ bị hội chứng tự kỷ có nhiều dạng, có em ở mức độ nhẹ, có em ở mức độ nặng. Để giúp các em hòa nhập cần có phương pháp linh hoạt, không áp đặt, từ từ gợi mở giúp các em mở cánh cửa đến với những điều bình thường nhất. Nhưng để làm được điều đó cần có một trái tim yêu thương, cảm thông, am hiểu và nhất là phải luôn sẵn sàng đồng hành cùng các em. “Vất vả, nhưng mỗi thành viên trong nhóm đều cảm thấy rất vui. Nhất là nhiều phụ huynh đã quan tâm đến vấn đề trẻ tự kỷ và họ rất cởi mở để cùng tìm ra giải pháp đồng hành cùng con em mình. Có phụ huynh từng đưa con đi chữa bệnh khắp nơi đã tìm đến dự án để chia sẻ lại kinh nghiệm cho người chưa có kiến thức. Chính những câu chuyện như vậy giúp chúng em có nhiều động lực để cố gắng làm tốt hơn”, Ngọc bày tỏ.

Trò chuyện, tiếp xúc với nhiều phụ huynh và những người quan tâm đến trẻ tự kỷ, nhóm nhận thấy sự nỗ lực của mình cho dự án rất có ích. Có lần, trong một buổi tập huấn, một giáo viên tiểu học cũng đến tham dự. Hôm đó, cô giáo ấy kể bằng một giọng thật buồn, rằng trước đó lớp cô dạy có một trẻ có nhiều hành động khác thường, hay quậy phá, làm mất trật tự. Cô chia sẻ với Ban giám hiệu về vấn đề này rồi xin nghỉ phép. Sau 1 tuần đi dạy lại thì cô không thấy em học sinh đó đi học nữa. Cô rất áy náy về việc này nên quyết định đến buổi tập huấn tìm hiểu kiến thức về trẻ tự kỷ, mong học được cách ứng xử phù hợp để sau này giúp các trường hợp như vậy.

Thông qua các buổi hội thảo, tập huấn kỹ năng và fanpage, nhóm đặt mục tiêu tạo ra sự kết nối nhiều hơn để sẻ chia giúp trẻ tự kỷ có cơ hội cải thiện tình trạng và hòa nhập với cuộc sống. Về lâu dài, nhóm mong muốn các bậc phụ huynh và cộng đồng quan tâm đến trẻ tự kỷ cần có những hành động thiết thực hơn để giúp các em không may mắc chứng tự kỷ bớt chịu thiệt thòi. “Dự án là hoạt động thiện nguyện với cam kết đóng góp cho sự phát triển của xã hội, đặc biệt tập trung hướng đến giúp cộng đồng hiểu và yêu trẻ tự kỷ hơn. Thông qua các buổi tập huấn với chuyên gia, nhóm mong muốn giúp phụ huynh có kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc giáo dục trẻ tự kỷ”, Ngọc chia sẻ.

Vĩnh Yên