Thứ bảy, 3/2/2018, 21h01

Sáng tạo từ cuộc đua xe đặc biệt

Từ những tiết học lý thuyết môn vật lý, hàng trăm học sinh Trường THPT Hiệp Bình (TP.HCM) đã hào hứng tham gia cuộc thi “Thiết kế xe chuyển động bằng phản lực” do câu lạc bộ (CLB) vật lý của trường tổ chức, với hơn 100 xe mô hình được sáng chế bằng những nguyên liệu, góc nhìn đầy mới mẻ và sáng tạo.

Xe phản lực chuẩn bị xuất phát

Kích hoạt giáo dục theo phương pháp STEM

Cô Nguyễn Thị Hồng Mai (Tổ trưởng bộ môn vật lý) cho biết CLB vật lý dù chỉ mới được thành lập từ tháng 9-2017, nhưng đã tổ chức nhiều hoạt động về học tập cũng như trải nghiệm cho học sinh mang lại hiệu quả cao. Trong đó phải kể đến cuộc thi Bắn tên lửa nước cấp TP được Thành đoàn TP.HCM tổ chức trong học kỳ I vừa qua. Ngay trong lần đầu tiên tham gia, đội thi của CLB đã xuất sắc giành giải nhì. Cô Mai nhấn mạnh: “Kết quả đó vượt xa so với mong đợi, có ý nghĩa khích lệ rất lớn đối với các em cũng như nhà trường. Tiếp nối thành công đó, nhà trường tiếp tục phát động tổ chức cuộc thi “Thiết kế xe chuyển động bằng phản lực”, ngoài việc tạo cho các em sân chơi về khoa học công nghệ, nhà trường đặc biệt mong muốn khơi gợi niềm đam mê sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong mỗi học sinh”.

Ngày 31-1, 100 đội đến từ các lớp đã hoàn tất sản phẩm và bước vào vòng loại cuộc thi. Trải qua 10 lượt thi đấu, Ban tổ chức đã chọn ra 10 xe xuất sắc nhất để vào vòng thi chung kết. Kết thúc phần thi đầy cam go, các đội thi về đích với kết quả lần lượt là: Lớp 11A3 giải nhất, lớp 10A6 giải nhì, lớp 10A13 giải ba. Ngoài ra, lớp 10A12 và 10A13 cùng đoạt giải xe sáng tạo và đẹp nhất.

Cô Mai cho biết thêm, để chuẩn bị cho cuộc thi, ngoài xây dựng kế hoạch từ đầu năm học thì đội ngũ giáo viên trong CLB đã bắt tay vào công tác chuẩn bị từ cách đây hơn 1 tháng. Từ ngày 25-11-2017, các em được học lý thuyết về chuyển động bằng phản lực. Sau khi nắm chắc về lý thuyết, các em sẽ tự lập đội (mỗi đội 2 đến 5 thành viên) để cùng nghiên cứu, lên kế hoạch thiết kế và tham gia thi đấu. Giáo viên trong tổ vật lý không can thiệp trực tiếp đến quá trình thiết kế của học sinh, tuy nhiên khi các em có thắc mắc thì sẽ được tư vấn. “Thông qua cuộc thi, việc tự mình nghiên cứu và chế tạo giúp các em một lần nữa nắm chắc lý thuyết đã được học. Ngoài ra còn giúp học sinh vận dụng vào thực tiễn để thấy rằng kiến thức vật lý luôn gắn liền với những hiện tượng trong cuộc sống, qua đó hình thành niềm đam mê, nghiên cứu của các em. Sau mỗi cuộc thi chúng tôi nhận thấy học sinh yêu thích bộ môn vật lý nhiều hơn”, cô Mai cho hay.

Thầy Nguyễn Văn Hiệp (Hiệu trưởng nhà trường) nhấn mạnh thêm: “Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhà trường luôn định hướng đổi mới giáo dục để hướng đến giáo dục cho học sinh một cách toàn diện. Trong thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh, kích hoạt những chuyên đề giáo dục theo phương pháp STEM như trên”.

Học thêm được nhiều kỹ năng bổ ích

Một đội thi đang bơm khí để xe đạt tốc độ cao

Sau khi cùng các thành viên trong nhóm thiết kế và điều khiển thành công mô hình xe chuyển động mang tên TPP về đích đầu tiên, em Tăng Công Tổng (lớp 11A3) hào hứng chia sẻ: “Khi nhà trường phát động cuộc thi, em và các bạn trong lớp đăng ký tham gia. Chúng em có 7 thành viên, lập thành 2 đội, thiết kế 2 xe. Để thiết kế mỗi xe chúng em mất khoảng 4 ngày tìm mua nguyên vật liệu lắp ráp, còn trước đó là quá trình lên ý tưởng và thiết kế”. Vốn “nghiện” công nghệ nên Tổng giải thích rành mạch từ khâu thiết kế: “Chúng em lên bản thiết kế xong sẽ định được bánh xe nào là phù hợp với khung xe. Theo đó là bơm lượng nước và lượng khí như thế nào để sau khi bơm vào thì xe đạt được tốc độ chuyển động cao và ổn định nhất. Lực bơm vào cũng cần phải nhanh và chính xác thì xe mới chuyển động theo đúng đường đua không bị sai vạch”.

Tương tự, em Trịnh Thị Quỳnh (lớp 11A8) cho hay, tuy là nữ nhưng từ năm lớp 8 em đã bộc lộ khả năng thiên về khối tự nhiên, đặc biệt là thích sáng chế công nghệ. Khi bắt đầu tham gia cuộc thi, em cùng các bạn trong nhóm liên tục họp nhóm để lên được ý tưởng tốt nhất. Quỳnh kể: “Quá trình thực hiện, những vật liệu như bánh xe, thân, khung xe chúng em đều tự tìm mua ở những tiệm vật liệu hoặc tái chế từ những đồ cũ. Nhiều lần thiết kế đã xong nhưng xe không chạy được hoặc chỉ chạy được một đoạn ngắn do lỗi thiết kế, vật liệu không phù hợp, lúc đó chúng em tự rút ra được bài học và tháo ra làm lại từ đầu. Nhiều lần như thế cuối cùng mô hình cũng hoàn thành đúng ý nhất”.

Tuy mô hình xe chuyển động của nhóm Quỳnh chỉ dừng lại ở vòng loại vì di chuyển ra ngoài vạch quy định, nhưng Quỳnh và các bạn tự tin cho hay: “Đối với chúng em kết quả thắng hay thua không ảnh hưởng quá nhiều. Trong quá trình cùng các bạn làm việc, ngoài học được cách bơm lượng nước và khí như thế nào cho phù hợp, em còn học được rất nhiều kỹ năng bổ ích như kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp với nhau sao cho công việc đạt hiệu quả cao nhất, kỹ năng phân bổ thời gian… Đó mới là “chìa khóa” để chúng em tiếp tục giải quyết những vấn đề trong cuộc sống sau này”.

Thy Dương