Thứ hai, 7/12/2009, 09h12

Sáng tạo… từ học đường

Các em HS Nguyễn Thị Minh Khai lắng nghe cách làm và sử dụng kính thiên văn

“Thương hiệu” của một câu lạc bộ (CLB) trong nhà trường không phải được tính bằng thời gian mà là hiệu quả CLB đó mang lại. CLB “Sáng tạo” của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai là một trong số đó. Mặc dù ra đời chưa được bao lâu nhưng “Sáng tạo” đang dần khẳng định vị thế của mình.
Cách học bổ ích và hiệu quả
Có tiền thân là CLB “Ong sáng tạo”, đến tháng 10-2009, CLB được “thay tên đổi họ” thành “Sáng tạo”. Nội dung sinh hoạt chủ yếu của CLB là các ứng dụng khoa học trong các môn vật lý, hóa học, tin học… Đây là những đề tài thu hút được nhiều học sinh có niềm đam mê về khoa học tham gia. “Tuy mới thành lập nhưng CLB đã thu hút được đông đảo học sinh trong trường. Đây là nơi để các em có điều kiện tham gia làm các khoa học ứng dụng. Nhà trường và Đoàn thanh niên đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho CLB như tuyên truyền tới đông đảo các em HS, hỗ trợ kinh phí, phòng ốc, trang thiết bị vật dụng để CLB hoạt động hiệu quả” – thầy Trần Đăng Khoa, trợ lý thanh niên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết.
Đến tham dự buổi sinh hoạt của CLB vào chiều thứ bảy với chủ đề “Kính thiên văn”, chúng tôi có cảm giác như mình đang được dự một lớp học thực sự. Số người tham gia không đông nhưng tất cả các bạn đều chăm chú lắng nghe, ghi chép lại những điều cần thiết. Các thành viên trong CLB được nghe giới thiệu về cấu tạo, chức năng của kính, được hướng dẫn cách làm một kính thiên văn khúc xạ đơn giản. Qua đó, các em có dịp được ôn lại những kiến thức đã học trên lớp, thậm chí cả những kiến thức từ lúc còn học THCS tưởng chừng đã bị lãng quên. Qua buổi học những thắc mắc của học sinh đưa ra đều được thầy cô giải đáp nhiệt tình. “Em rất vui khi được tham gia lớp học này. Có thể nói, việc học đi đôi với hành trong CLB khiến em cảm thấy hấp dẫn và thú vị hơn nhiều so với cách học trên sách vở ở lớp” - Xuân Sơn, lớp 11A1 chia sẻ. So với cách học bài theo kiểu “đọc chép” truyền thống, CLB chính là nơi giúp cho các em có cách nhớ bài nhanh nhất, hiệu quả nhất. Không chỉ được nhìn, HS còn có cơ hội để thể nghiệm những sáng tạo của mình qua những vật dụng nhỏ. Chỉ với một vài đoạn ống nước, một kính hội tụ, băng keo… từ những vật dụng đơn giản này các em đã có thể cho ra đời một sản phẩm kính thiên văn đơn giản. “Trước đây, khi chưa tham gia CLB, em phải tự mày mò những điều mình thích và không ít lần đã xảy ra sự cố ngoài ý muốn nhất là cháy nổ. Qua lớp học này, em được các thầy cô hướng dẫn cách làm các thí nghiệm an toàn. Muốn không để xảy ra hiện tượng cháy nổ phải giảm hàm lượng các chất ra sao. Điều quan trọng là khi tham gia CLB, em thấy mình vừa được thỏa mãn những đam mê, vừa được ôn lại kiến thức mà không bị stress” - Minh Triết, lớp 11A1 cho biết.
Không chỉ có tác dụng đối với HS, ngay cả những giáo viên trực tiếp hướng dẫn cũng bị lôi cuốn vào những hoạt động thiết thực đó. Thầy Lê Hồng Phong, giáo viên bộ môn hóa của trường tâm sự: “Ban đầu, CLB ra đời để thỏa mãn nhu cầu thích khám phá khoa học, khám phá cuộc sống của các em học sinh. Bản thân tôi khi còn ở tuổi các em cũng có những sở thích, niềm đam mê như vậy. Nhưng rồi công việc giảng dạy, loanh quanh với những điểm số đã khiến tôi quên đi điều đó. Để truyền đạt những kiến thức liên quan đến ứng dụng khoa học cho các em, tôi phải tự mày mò, trau dồi kiến thức. Cũng nhờ vậy mà khi giảng dạy, tôi thấy mình tự tin hơn hẳn”.
Phát huy óc sáng tạo
Không chỉ được học hỏi và khám phá, các thành viên trong CLB còn có cơ hội được thể hiện óc sáng tạo của mình. Để chuẩn bị cho mỗi chủ đề sinh hoạt, các em thường tìm hiểu trước qua sách vở, web hoặc lời chỉ bảo của thầy cô. Chính những điều đó đã khơi gợi trí tưởng tượng, sự tìm tòi của các em. Ngoài ra, trong mỗi buổi sinh hoạt, các thầy cô hướng dẫn luôn đưa ra đề tài cho buổi sinh hoạt tới để các em thảo luận, tìm hiểu trước. Từ những mô hình cũ của các anh chị khóa trước để lại, các thành viên trong CLB chỉ ra những ưu, khuyết điểm và tìm cách khắc phục. Cũng từ “Sáng tạo”, các em được học cách làm việc theo nhóm, cùng nhau thảo luận, tìm hiểu và cùng chia sẻ những “sản phẩm” do mình làm ra. Cô Thu Hà, người gắn bó với “Sáng tạo” lâu năm nhất cho biết, cô không có ý định tổ chức thành một CLB có đông đảo thành viên tham gia mà cần một “đội quân” tinh nhuệ, có niềm đam mê, kiến thức và tài năng để có thể tự làm ra sản phẩm của mình.
Ngọc Anh
“Những sáng tạo dù với mình là nhỏ nhưng với học sinh, đó là những phát hiện mới. Khi một sản phẩm do chính tay mình làm ra sẽ tạo cho các em cảm giác như một nhà khoa học thực sự. Chính những điều đó đã tạo tiền đề, giúp các em có thể sáng tạo ra những điều mà chính bản thân các em không ngờ tới. Đam mê cộng với kiến thức sẽ làm nên ý tưởng lớn” - cô Thu Hà khẳng định.