Thứ tư, 11/1/2017, 10h45

Sao chép trong khoa học, được không?

Một bài báo tóm tắt luận văn của một thạc sĩ, đăng trên nội san của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM mới đây bị phát hiện sao chép luận văn của một thạc sĩ ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), thậm chí cả những lỗi sai.

Sao chép trong khoa học, được không?
Phần đề xuất giải pháp trong bài báo tóm tắt luận văn của học viên Võ Thành Nhân được sao chép từ một luận văn của ĐH Bách khoa TP.HCM (bên phải) - Ảnh: HỒNG NHUNG

Trong khi phía bị sao chép bức xúc và đặt vấn đề về quản lý chất lượng đào tạo, sự nghiêm túc trong khoa học; thì ngược lại, có ý kiến cho rằng: trên thực tế, luận văn thạc sĩ được phép... “copy”, chỉ cần đảm bảo phải ghi rõ nguồn lấy từ đâu!

Một nửa bài báo là sao chép

Hằng năm, khoa cơ khí động lực ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có tổ chức họp mặt truyền thống cựu sinh viên của khoa. Dịp này, khoa sẽ phát hành cuốn nội san của khoa, với các bài viết giới thiệu kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học của các thầy cô trong trường, khoa...

Theo đó, bài báo “Khảo sát đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do khí thải của môtô xe máy tại TP.HCM” được in trên nội san của khoa, vừa được phát hành đầu tháng 1-2017.

Bài viết gồm 10 trang khổ A4, nằm từ trang 41 đến trang 50 của nội san. Trong đó, trang đầu giới thiệu tóm tắt bài viết, trang cuối dẫn nguồn tài liệu tham khảo, còn lại 8 trang trình bày nội dung nghiên cứu khảo sát và giải pháp kỹ thuật cùng với các sơ đồ, biểu đồ, hình minh họa.

Ngày 6-1-2017, tình cờ cuốn nội san nói trên đến tay một cựu học viên ĐH Bách khoa. Sau khi đọc cuốn nội san, anh này phát hiện phần giải pháp kỹ thuật (từ trang 46 đến trang 49) trong bài báo nói trên đã được sao chép từ luận văn thạc sĩ do anh thực hiện từ năm 2015.

Điểm đặc biệt là ngay cả phần sai sót trong luận văn là đồ thị so sánh CO cũng được chép lại y chang (trong hình 10, trang 48 cuốn nội san)!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2011, khi giá xăng còn khá cao, một tiến sĩ ở phòng thí nghiệm động cơ đốt trong ĐH Bách khoa TP.HCM cùng cộng sự đã tiến hành các nghiên cứu thành công thiết bị tiết kiệm xăng của xe máy.

Nghiên cứu này sau đó đã được báo cáo tại các hội nghị và được mang ra hướng dẫn sinh viên, học viên ĐH Bách khoa TP.HCM làm luận văn, với những cải tiến, sáng tạo...

Và bài báo trong cuốn nội san của khoa cơ khí động lực ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã sao chép từ một trong số các luận văn trên.

Quên... dẫn nguồn

TS Lê Thanh Phúc, trưởng khoa đào tạo chất lượng cao ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, một trong hai tác giả của bài báo trong cuốn nội san, cho biết: bài báo này là tóm tắt nội dung đề tài tốt nghiệp cao học của học viên Võ Thành Nhân, do TS Phúc hướng dẫn.

Ông Phúc xác nhận: trong bài báo tóm tắt luận văn của mình, học viên Nhân chỉ làm phần khảo sát đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do khí thải của môtô xe máy tại TP.HCM, sau đó sao chép phần đề xuất giải pháp của ĐH Bách khoa mà không ghi nguồn tham khảo.

Về phía mình, ông Phúc nhìn nhận: ông không nhớ rõ là trong luận văn cao học, học viên Nhân có dẫn nguồn tham khảo hay không (!?); ngoài ra, ông đã không kiểm tra lại kỹ bài viết của học viên trên nội san nên không phát hiện sơ sót trên.

Ngay khi nhận ý kiến phản hồi, ông đã trực tiếp liên hệ TS N.N.D. (ĐH Bách khoa TP.HCM), chủ nhiệm đề tài mà học viên Nhân đã “mượn” phần giải pháp đem vào luận văn của mình, để xin lỗi về sự cố trên.

Đồng thời ông Phúc có đề ra một hướng giải quyết, là trong nội san năm tới của khoa cơ khí động lực sẽ đăng tải nội dung đính chính và xin lỗi.

Một tiến sĩ chia sẻ với chúng tôi ông rất buồn khi chuyện sao chép tương tự vẫn còn xảy ra, nhất là trong lúc xã hội đang bàn rất nhiều về sở hữu trí tuệ để hội nhập. Một bài báo khoa học có nội dung cóp nhặt chỗ này chỗ kia một ít thì giá trị nằm ở đâu? Trong khoa học, mà người làm luận văn, viết báo lại không trực tiếp làm các thí nghiệm, để từ đó đưa ra những kết quả, giải pháp thì quả là nguy hiểm. Chất lượng đào tạo vì thế cũng cần phải được xem xét lại.

“Với những luận văn cóp nhặt kết quả nghiên cứu từ nơi khác đưa vào bài, nếu là học viên đã tốt nghiệp, khi phát hiện nhà trường sẽ xử lý ra sao? Nền khoa học sẽ như thế nào khi mọi người sao chép của nhau? Để đến khi xảy ra sự cố, thì một bên nói lời xin lỗi, bên kia nhận lời xin lỗi, không làm lớn chuyện, vì dù sao cũng là đồng nghiệp, cũng còn những mối liên hệ với nhau ngoài xã hội” - vị tiến sĩ này băn khoăn.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Học viên cao học được phép sao chép

Thực tế hiện nay, các luận văn thạc sĩ thường sao chép, tổng hợp tài liệu mỗi nơi một ít. Học viên cao học được phép sao chép, nhưng phải ghi rõ nguồn trích dẫn.

Tri thức, tài sản khoa học là tài sản chung của nhân loại, cho nên các bài báo càng được trích dẫn nhiều thì uy tín của bài báo càng cao!

Chỉ khi nào lấy bài người khác đăng tạp chí khoa học và đăng ký sáng chế thì mới vi phạm bản quyền.

Ngày trước, các giảng viên của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM còn ngại đưa bài giảng của mình lên mạng vì sợ bị sao chép.

Nhưng hiện nay, trường chúng tôi còn khuyến khích các giảng viên đưa bài lên YouTube và có cơ chế thưởng cho các bài được xem nhiều.

PGS.TS Mai Thanh Phong (phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa TP.HCM):

Sao chép nghiên cứu là không được

Vấn đề sao chép luận văn, đề tài nghiên cứu khoa học xảy ra khá phổ biến ở nước ta. Điều này cần phải được phản ánh và xem xét lại một cách nghiêm túc.

Thông thường các trường ĐH hay mời giảng viên của các trường khác đến ngồi hội đồng nghiệm thu, phản biện các đề tài nghiên cứu của học viên, sinh viên trường mình, nhưng lại chưa có những thỏa thuận về việc sử dụng thông tin nghiên cứu của nhau.

Học hỏi ý tưởng của nhau là việc bình thường, nhưng sao chép nghiên cứu, giải pháp của nhau là không được.

“Nền khoa học sẽ như thế nào khi mọi người sao chép của nhau? Để đến khi xảy ra sự cố, thì một bên nói lời xin lỗi, bên kia nhận lời xin lỗi, không làm lớn chuyện, vì dù sao cũng là đồng nghiệp, cũng còn những mối liên hệ với nhau ngoài xã hội".

Một tiến sĩ

 

HỒNG NHUNG/TTO