Thứ năm, 6/7/2017, 21h23

Sao thầy lại lượm rác?

Lúc còn công tác ở trường, là cán bộ quản lý phụ trách mảng cơ sở vật chất, lao động - vệ sinh, thỉnh thoảng tôi đảo vài vòng quanh trường, ra tận nhà thi đấu đa năng phía sau trường, để xem xét tình hình mỗi ngày. Thường những lúc này, có một số lớp đang học môn thể dục, giáo dục quốc phòng… Khi đi ngang khu vực nhà thi đấu, thấy dọc đường có nhiều chai nhựa, hộp xốp nên tôi cúi xuống lượm lên và bỏ vào thùng rác. Tôi nghĩ đó là việc làm bình thường, ai cũng làm được để môi trường luôn xanh, sạch và đẹp. Điều quan trọng là họ có nhìn thấy và dám cúi xuống lượm rác lên hay không mà thôi!

Có lần lên lầu hai dự họp, tôi đi trước và thấy mấy chai nước vứt lăn lóc, tôi lượm lên và bỏ vào thùng rác gần đó. Cũng vừa lúc ấy, có một nữ giáo viên đi phía sau. Chứng kiến việc làm “không giống ai” của thầy hiệu phó, cô kêu lên kinh ngạc: “Sao thầy lại lượm rác vậy?”. Tôi ngoảnh lại, mỉm cười nói: “Có gì đâu cô, tôi lượm chút rác thôi mà!”. Đúng ra (theo suy nghĩ của hầu hết mọi người), đây là công việc của học sinh, của lớp trực tuần hoặc công việc của chị lao công. Nhưng tôi không nghĩ vậy mà luôn tâm niệm làm được việc gì có ích cho trường thì mình cứ làm, chẳng cần ai biết! Hơn nữa, việc làm tuy nhỏ nhưng sẽ có tác động sâu sắc đến học sinh. Người lớn, người thầy phải làm gương trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Tôi cho làm khẩu hiệu, treo ở những vị trí dễ nhìn thấy với nội dung: “Thấy rác lượm liền, trường mình xanh - sạch - đẹp”.

Đa số thầy cô trường tôi đều xuất thân từ nông thôn, từ gia đình làm nghề nông. Nhưng có lẽ vì sĩ diện, vì sợ dơ nên chẳng mấy ai cúi xuống lượm rác như tôi từng làm. Bản thân tôi từng là bộ đội, xuất ngũ đi học ĐH, được rèn luyện trong quân đội nên tôi chẳng nề hà việc gì. Tôi không bắt buộc mỗi người đều lượm rác như mình nhưng tôi mong mọi người sống có trách nhiệm; tự giác trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường bằng việc làm cụ thể, thiết thực. Tiếc thay, đa số giáo viên chưa coi trường là nhà mà mình là người làm chủ. Họ chỉ coi trường là nơi “dạy học, dạy chữ”; xong giờ dạy là về nhà cho khỏe. Lượm rác không có gì là xấu, là “tự hạ thấp mình” như một số người vô cảm suy nghĩ. Khi mình cúi xuống là mình đã ngẩng cao đầu vì đó là việc làm tốt.

“Sao thầy lại lượm rác?” - câu hỏi của đồng nghiệp trẻ làm tôi nhớ mãi. Khó quá môi trường giáo dục! Bởi những việc làm không tên, những việc làm tự giác được coi là “kỳ lạ” thì bao giờ giáo dục được học sinh làm những việc tốt thầm lặng trong đời?

Lê Trường Sa