Thứ tư, 30/11/2011, 15h11

Sau trận đánh ghen, ba người ba tâm trạng

Đứng trước một dòng sông, một rặng núi; nghe một lời ca, tiếng hát hay nhìn thấy một bức tranh, ai cũng có suy nghĩ. Có cái nghĩ hời hợt, thoáng qua; có cái nghĩ tìm đến điều này, điều nọ, liên tưởng chuyện này, chuyện kia, ấy là suy. Nghĩ và suy chỉ cách nhau một đường tơ, một sợi tóc. Ghép chúng lại, đó là một dạng thức, dạng thức giữa đối tượng và người suy nghĩ ban đầu có cách biệt. Khi đối tượng ấy, sự việc ấy xoáy sâu vào tâm hồn, tình cảm khiến ta xúc động, căm phẫn hay thương xót, đấy là tâm trạng. Tâm trạng hình thành khi đối tượng và người nhận biết đối tượng dường như chỉ là một!
Cuộc đày đọa Thúy Kiều và xoi móc tình cảm của Thúc sinh, tuy ba người nhưng chung lại chỉ hai dạng thức: đau xót và thỏa thuê. Cái khéo của câu chuyện là để chuẩn bị cho việc xuất hiện các tâm trạng ấy, suốt cả chiều dài gần 300 câu thơ, mỗi lúc một khác, mỗi người một sắc thái, Nguyễn Du đã nhắc đến đậm nét, nâng cao. Và, đây là đỉnh điểm.
Hoạn thư: Lòng riêng tấp tểnh mừng thầm/ Vui này đã bỏ đau ngầm ngày xưa! Sao cụ Nguyễn lại dùng hai chữ tấp tểnh? Hay cụ đã tỏ thái độ khinh miệt, lên án cái vui nhỏ nhen của một người chà lên đau khổ người khác? Tại sao cụ không viết: Lòng riêng riêng những mừng thầm hay Lòng riêng bao nỗi mừng thầm? Hoạn thư chứ có phải là trẻ con đâu mà vui mừng tấp tểnh? Chắc cụ Nguyễn đã tỏ thái độ trong lời tả ấy.
Có lẽ, không nên đọc như Phạm Kim Chi: Lòng riêng tấp tửng mừng thầm hay các ông Trương Vĩnh Ký, Quan Văn Đường, Chiêm Vân Thị, Hồ Đắc Hàm: Lòng riêng khấp khởi mừng thầm.
Theo chúng tôi, cụ Đào Duy Anh chọn hai chữ tấp tểnh gợi hơn, văn hở mà kín!
Thúc sinh, cụ Nguyễn cũng dùng chỉ hai câu thơ: Sinh thì gan héo ruột đầy/ Nỗi lòng càng nghĩ càng cay đắng lòng!
Trong Truyện Kiều chưa bao giờ cụ Nguyễn cho Thúc có cái gan tươi nguyên, chưa nói đến anh hùng hảo hán hay lá gan của đấng trượng phu. Thúc sinh thấy bài vị thờ của Thúy Kiều thì tơ tình đứt ruột, lửa phiền cháy gan, và giờ đây gan héo ruột đầy. 12 lần dùng từ gan trong Truyện Kiều, Thúc chỉ có một lá gan tan nát không dùng được! Buồn quá mà gan héo đi, tức tối chất chứa đầy ruột. Nhân đây xin nói qua một chút về lá gan trong Truyện Kiều. Có gan thật, có gan giả. Sở Khanh nói: Sốt gan riêng giận trời già/ Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng. Gan của Sở là gan giả, là huênh hoang, khoác lác, đại ngôn. Còn gan thật: Kim Trọng (2 lần), Thúc ông (1 lần), Thúy Kiều (4 lượt), Hoạn thư (1), Từ Hải (1). Có điều lạ là Kim Trọng hai lần, cũng trong tình trạng tan lòng, nát dạ nhưng lá gan của Kim không héo, không cháy như Thúc sinh (xem câu 2813 và 2833).
Thúc chỉ biết suy nghĩ và xót xa. Hai từ lòng trong câu thơ (Nỗi lòng càng nghĩ càng cay đắng lòng) vẫn chỉ là một nhưng chữ lòng sau đã thêm vị cay đắng, chua chát!
Nếu hai nhân vật trên, mỗi người hai dòng thơ thì Thúy Kiều như dòng nước mắt tuôn trào kéo dài trên 14 dòng thơ (1872- 1885)
Chỉ hai câu mở đầu đã đau lòng, đứt ruột: Người vào chung gối loan phòng/ Nàng ra tựa cửa đèn chong canh dài. Ngày nào Thúc là chồng hết mực thương yêu Thúy Kiều, vợ chồng đầu gối, tay ấp mà giờ đây cảnh đời cách biệt, đối nghịch đến mức thảm thương.
Dáng điệu của kẻ cô đơn hiu quạnh, đó là hai câu đầu mở ra cho 14 dòng thơ và kết thúc 14 dòng ấy: Một mình âm ỉ đêm chầy/ Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh! Đấy là một đêm kinh khủng. Thúy Kiều đã thức trắng đêm! Nguyễn Du dùng cặp từ vơi, đầy đối xứng thật đúng chỗ, đúng lúc: Nước mắt của Thúy Kiều hay nước mắt của cụ Nguyễn, của bao người đọc đã nhỏ xuống để sau này nhà thơ Tố Hữu viết: Lệ chảy quanh thân Kiều!
Khóc và khóc thảm thiết là đúng bởi chen giữa hai câu mở đầu, hai câu cuối ấy là một con người Nhẹ như bấc, nặng như chì, là một Hoạn thư có máu ghen lạ đời…
Nếu đặt Thúy Kiều ở những người khác, đến sau mà chen chân thích cánh giành giật với người đến trước, nỗi đau ấy cũng cam lòng. Ở đây, đau đớn thay, Thúy Kiều chỉ xin một thân phận nhỏ nhoi trong cái gia đình ấy!
Lê Xuân Lít