Thứ sáu, 16/6/2017, 16h33

Sẽ có những điều chỉnh đề thi lớp 10

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, sẽ có một vài điều chỉnh về dung lượng và mức độ phân hóa trong các đề thi, đề kiểm tra trong thời gian tới.
Theo nhiều giáo viên, đề thi chưa bám sát thực tế, học sinh chưa kịp thay đổi, thầy cô vẫn giữ lối dạy rập khuôn máy móc chính là nguyên nhân khiến đề thi lớp 10, đặc biệt môn toán, gây sốc cho nhiều học sinh, phụ huynh tại TP.HCM.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, sẽ có một vài điều chỉnh về dung lượng và mức độ phân hóa trong các đề thi, đề kiểm tra trong thời gian tới.
Phụ huynh và thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) nộp hồ sơ nhập học  /// Ảnh: Ngọc Dương
Phụ huynh và thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) nộp hồ sơ nhập học Ảnh: Ngọc Dương
Đổi mới dạy và học ở môn toán còn rất hạn chế
Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Trung học Sở GD-ĐT, cho biết: “Đề thi lớp 10 năm nay nếu so sánh từng câu với đề những năm trước thì hoàn toàn không khó hơn. Đề chỉ lạ và có một vài thay đổi về cấu trúc, cách ra đề. Những thay đổi này bám vào chủ trương đổi mới toàn diện cách dạy và học của học sinh (HS) đã được Sở triển khai tới các trường trong năm học vừa qua. Tuy nhiên, khi nhìn vào tình hình điểm thi và dựa vào phân tích của nhiều chuyên gia giáo dục, phải thừa nhận một thực tế là HS, giáo viên vẫn chưa thực sự đổi mới”.
Ông Tiến nhìn nhận điểm thi của các môn có thể đánh giá việc đổi mới cách dạy và học đã có một vài kết quả nhưng mức độ đậm nhạt của từng môn khác nhau. Môn ngữ văn có sự thay đổi nhanh, mạnh thông qua những chương trình dạy học theo dự án, tích hợp liên môn… Từ đó giúp khả năng bình luận, tư duy nhiều vấn đề của HS đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tương tự, môn ngoại ngữ vốn được xem là thế mạnh của TP.HCM nên việc lồng ghép kiến thức nền và những kiến thức xã hội diễn ra khá suôn sẻ. Kết quả là đề thi ngữ văn và tiếng Anh có đổi mới, lạ nhưng vẫn được HS chấp nhận.
Vấn đề còn lại nằm ở môn toán. Thời gian qua, dù đã có chủ trương nhưng những đổi mới ở môn này còn rất hạn chế. Chưa có nhiều chương trình thực tế cho môn toán. Các cuộc thi khoa học kỹ thuật, tích hợp liên môn ở môn toán còn ít. Tại các trường, việc dạy chủ yếu vẫn là truyền đạt kiến thức, tập làm các dạng bài quen thuộc làm cho kỹ năng vận dụng dù có cũng còn khá máy móc. Hầu hết giáo viên mới chỉ thay con số vào các dạng toán chứ chưa có những thay đổi mang tính bản chất.
Đề sẽ phân hóa từ dễ đến khó
Trước thực tế này, ông Tiến khẳng định: “Để đáp ứng việc kiểm tra, đánh giá, thời gian tới Sở sẽ có một vài điều chỉnh về dung lượng và mức độ phân hóa trong các đề thi, đề kiểm tra. Cụ thể, đề thi, đề kiểm tra vẫn bám sát mục tiêu phát triển năng lực người học nhưng dễ hơn và đa dạng hơn. Đặc biệt, mức độ phân hóa sẽ đảm bảo đi từ cấp độ rất dễ - dễ - trung bình đến khó và rất khó. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tính toán lại dung lượng kiến thức trong đề thi để HS phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo kiến thức. Cụ thể, đề thi sẽ ngắn hơn, lượng kiến thức sẽ ít hơn so với đề thi lớp 10 vừa rồi”.
Ông Tiến cho biết thời gian tới thông qua các chương trình như: Giáo viên sáng tạo, dạy học tích cực, dự giờ, thao giảng… Sở sẽ trao đổi và hướng dẫn giáo viên có những bài giảng thực tế hơn với môn toán. Đồng thời cũng cập nhật những phản hồi từ việc đổi mới để có những chỉ đạo kịp thời. Bên cạnh đó, Sở sẽ chủ động tổ chức các buổi thao giảng để giúp giáo viên nắm bắt và thay đổi bản chất cách dạy học, tăng cường tổ chức các hoạt động thực tế liên quan tới môn toán.
Nôn nóng học thêm, “lợi bất cập hại”
Do quá sốt ruột về đề thi lớp 10 vừa qua, nhiều phụ huynh hoang mang đi tìm lớp học thêm cho con ngay trong những ngày đầu hè. Tuy nhiên, theo ông Tiến, việc học thêm này không phải là giải pháp mà ngược lại có thể còn khiến lợi bất cập hại.
Ông Tiến phân tích: “Đề thi vừa qua gây hoang mang cho HS vì các em chưa kịp nắm bắt với những thay đổi chứ không phải vì độ khó. Vậy, nếu phụ huynh cứ vội vã đi tìm thầy giỏi, tới đó học các dạng toán cao siêu thì lại càng đi lệch với hướng đề thi mà Sở đang nhắm tới. Để hỗ trợ HS học tốt và đạt mục tiêu phát triển năng lực, cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Giáo viên cần nhanh chóng thay đổi tư duy giảng dạy. Thay vì dạy những dạng cũ thì cần tìm tòi dạy HS phương pháp làm một dạng bài chứ không chỉ dạy các em làm ra kết quả. Thay vì khư khư giữ lối tư duy cũ thì phải nhanh chóng tiếp cận cái mới để hướng dẫn HS cách nào giải quyết vấn đề mới. Phụ huynh thay vì chạy đôn chạy đáo tìm nơi học thêm cho con thì nên khuyến khích con tự học và tạo điều kiện để các em làm được điều đó bằng cách không tham gia quá nhiều lớp học thêm”.
Tránh dạy và học theo dạng toán mà nên chú ý kiến thức căn bản
Tiến sĩ Trần Nam Dũng, giảng viên Khoa Toán - Tin Trường ĐH  Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng khi biết kết quả đến 56% HS có điểm thi toán dưới trung bình, tôi cảm thấy khá bất ngờ. Sau khi trao đổi với một số đồng nghiệp là những người trực tiếp dạy THCS, tôi có một số giải thích sau cho kết quả này.
Đề thi dài, lạ, ra khác với các đề ôn tập của các phòng giáo dục nên HS lúng túng. Sau khi trừ đi các câu thực sự khó thì HS còn quá ít câu có thể làm, cộng thêm sai sót khi làm bài nên kết quả là không đạt nổi điểm trung bình.
Mặt khác, ở trường học, các thầy cô thường không dạy kỹ phần lý thuyết mà thích ôn bài theo dạng dẫn đến các kiến thức nền rất cơ bản như vẽ đồ thị của parabol, giao điểm của parabol với đường thẳng, các tỷ số lượng giác, làm tròn số... các HS nắm không chắc. HS có thể làm được những bài khó hơn nhưng quen thuộc chứ không làm được những bài thực sự cơ bản. Kỹ năng giải toán bằng cách lập phương trình (quan trọng hơn cả giải phương trình) được học từ các lớp dưới, HS cũng quên nhiều nên gặp khó luôn ở hai bài 1.2 và 3.2.
Như vậy, có thể nói kết quả điểm thi môn toán vừa qua thấp vừa có nguyên nhân từ đề thi (hơi dài và phân bố chưa đều ở độ khó) vừa có nguyên nhân từ cách dạy, cách học.
Vì thế chúng ta nên tránh việc học và dạy theo dạng toán, “bắt tủ” mà chú ý dạy kiến thức nền căn bản cho HS, luyện tập các bài toán cơ bản thuần thục và chính xác như giải biện luận phương trình bậc 2, vẽ đồ thị, giải toán bằng cách lập phương trình, tính toán với tỷ số lượng giác, rút gọn căn thức, đường tròn và góc nội tiếp. Ở mức độ cao hơn, dạy cho HS biết cách phân tích, giải quyết vấn đề.

Lam Ngọc (TNO)