Thứ bảy, 22/7/2017, 09h44

Sẽ còn ai học cao đẳng?

Hơn 100.000 thí sinh dưới điểm sàn liệu có “chịu” đăng ký học CĐ hay không? Đây là điều mà các trường CĐ đang chờ đợi trong lo lắng.

Sinh viên một trường cao đẳng trong giờ thực hành  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Sinh viên một trường cao đẳng trong giờ thực hành. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Khi đại học rộng cửa
Chỉ tiêu nhiều hơn thí sinh
Theo số liệu từ Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH, năm 2017, tổng chỉ tiêu cho hệ thống CĐ và trung cấp là 540.000. Trong khi đó, nhìn vào số lượng TS năm nay chúng ta thấy chỉ có hơn 850.000 người thi THPT quốc gia. Chỉ tiêu ĐH là 332.496. Số TS còn lại “được cho là” không đậu ĐH khoảng 533.000. Đó là chưa kể còn rất nhiều ngã rẽ khác cho TS lựa chọn. Như vậy, 540.000 chỉ tiêu kia sẽ lấy đâu ra người học?
Đây không phải năm đầu tiên các trường ĐH xét điểm học bạ. Tuy nhiên, nếu như 2 năm trước, điều đó còn mới mẻ và không nhiều thí sinh (TS) biết tận dụng cơ hội này, thì năm nay, việc xét học bạ được xem như một con đường rộng mở mà TS chắc chắn sẽ bước chân vào nếu con đường xét điểm THPT quốc gia có khép lại. Thậm chí, với những TS có học lực trung bình khá, để chắc ăn, “chinh phục cả 2 con đường” bằng cách vừa nộp điểm thi THPT quốc gia vừa nộp điểm học bạ.
Trong các buổi tư vấn trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức, có rất nhiều TS hỏi về cách thức xét tuyển học bạ. Điều đó cho thấy TS tìm mọi cách để đậu được ĐH.
Thạc sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt, nhìn nhận: “Việc “mở” hết cỡ như thế sẽ khiến những TS học lực trung bình nhưng vẫn quyết vào ĐH”.
Mặc dù xét học bạ ĐH là 6 điểm mỗi môn, tuy nhiên, hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM nhìn nhận: “Không ít em học lực khá nhưng điểm thi THPT quốc gia không đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT. Điểm thi phản ánh tương đối chính xác lực học của TS, còn điểm học bạ khó kiểm chứng được”.
Đến hẹn lại… lo
Sự thay đổi hệ thống quản lý, cụ thể là sau khi hệ thống trường CĐ (trừ các ngành, trường sư phạm) chuyển về cơ quan quản lý mới là Bộ LĐ-TB-XH, dẫn đến trường ĐH và CĐ không còn nằm chung trong một quy chế tuyển sinh, khiến các trường CĐ chỉ còn cách đứng ngoài “cuộc chơi”.
Theo tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, thời điểm này năm trước trường nhận được khoảng vài ngàn hồ sơ, nhưng năm nay mới được hơn 500. Mà trong số 500 TS đó, có đến 80% đăng ký online, chỉ 20% đến trường nộp trực tiếp nên hồ sơ ảo sẽ rất lớn. Bà Vân nhận định: “Năm nay số lượng TS ít hơn năm trước, nhưng số lượng nguyện vọng đăng ký vào ĐH lại tăng 5%. Trong số hơn 100.000 TS dưới điểm sàn đó, sẽ không có nhiều em nộp vào CĐ vì các trường ĐH còn xét học bạ. Hơn nữa, ngay từ đầu, các trường CĐ đã không cùng hệ thống tuyển sinh với ĐH nên mức độ quan tâm của TS chắc chắn sẽ giảm xuống. Bản thân em nào có ý định học CĐ cũng hoang mang không biết đăng ký CĐ như thế nào và bằng cấp thay đổi thì có ảnh hưởng gì không”.
Các trường CĐ khác cũng trong tình trạng tương tự: chờ đợi mà không nhiều hy vọng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương, chia sẻ: “Trường cũng nhận được rất ít hồ sơ. Chỉ còn cách đợi trường ĐH làm cho xong công việc của họ, lúc đó mới biết TS có vào CĐ hay không”.
 

Mỹ Quyền/TNO