Thứ ba, 7/2/2017, 14h39

Sẽ không còn nghi lễ treo trâu phản cảm

Trước những hình ảnh phản cảm về tục treo trâu ở Yên Bái, cùng nhiều diễn biến phản cảm, biến tướng tại các lễ hội đầu xuân, ngày 6-2, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL cho biết sẽ có văn bản yêu cầu các địa phương điều chỉnh, sàng lọc, nghiên cứu đưa ra, hài hòa lợi ích cộng đồng và quản lý của nhà nước.

Tục treo trâu gây nhiều phẫn nộ vì quá phản cảm và dã man. Nguồn: youtube

Theo bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (VHCS - Bộ VH-TT-DL), sau khi nắm được thông tin lễ hội treo cổ trâu cho đến chết ở Yên Bái mà mạng xã hội đăng tải, Cục VHCS đã cho kiểm tra và xác định đó là những hình ảnh của lễ hội năm trước. Năm nay, lễ hội này chưa diễn ra. Tuy nhiên, bà Trịnh Thị Thủy cũng cho biết, theo tinh thần của Thông tư 15 đã ban hành, Cục VHCS dứt khoát không cho tái diễn tập tục mang tính bạo lực, man rợ. Cục VHCS đã làm việc với địa phương về lễ hội Đông Cuông năm nay để không tái diễn lại tập tục man rợ này.

Trong 2 ngày qua, nhiều cư dân mạng lan truyền một clip mô tả cảnh một đám đông cột dây thừng qua cổ một con trâu rồi treo lên cây cho đến chết. Hành động thắt cổ trâu được những người xung quanh hò reo, cổ vũ. Clip này được cho là quay lại tại một lễ hội ở tỉnh Yên Bái. Và ngay khi clip này xuất hiện, rất nhiều cư dân mạng đã bày tỏ thái độ phẫn nộ vì quá phản cảm và dã man. Sau đó, cảnh tượng nêu trên được xác định là diễn ra tại đền Đông Cuông (xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, Yên Bái). Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ thờ Mẫu của dân tộc Tày từ trăm năm nay và được Nhà nước xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia. Trong lễ hội diễn ra hàng năm, tại đây thường có nghi thức treo con trâu trắng để tế Mẫu. Lễ treo trâu có ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân được thái bình, no ấm.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Xuân Định, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Yên Bái, xác nhận tại địa phương có lễ hội với mô tả như trên. Tuy nhiên, hình ảnh trên mạng là hình ảnh cũ của năm trước. Năm nay, lễ hội này sẽ diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng (tức ngày 9-2). Theo ông Định, việc treo và mổ trâu tế lễ thường tổ chức vào đêm khuya nên ít người chú ý. Ông Định cũng cho biết, Sở VH-TT-DL Yên Bái sẽ có văn bản chỉ đạo để điều chỉnh nghi lễ này: “Sẽ không có cảnh treo trâu nữa, cũng không để du khách tham quan chứng kiến việc mổ trâu”.

MAI AN (SGGP)