Thứ ba, 3/11/2015, 21h20

Sẽ xây dựng phương án xét tuyển tốt nhất

Ông Nguyễn Quốc Cường đang giải đáp các thắc mắc của học sinh

Lần đầu tiên chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM đến với học sinh Trường THPT Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), tại đây Ban tư vấn được các em học sinh chia sẻ rất nhiều chuyện học ở vùng “đất thép thành đồng”.

Dù ở vùng ngoại thành nhưng học sinh Trường THPT Tân Thông Hội rất tự tin khi đặt câu hỏi, mang những băn khoăn của mình nhờ Ban tư vấn giải đáp.

Học sinh sẽ nộp hồ sơ xét tuyển tại trường

Em Nguyễn Thị Hồng Vân (học lớp 12A2) mạnh dạn hỏi: “Sau những “sự cố” xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 thì phương án thi tuyển trong năm 2016 sẽ như thế nào? Việc nộp giấy xét tuyển sẽ áp dụng ra sao?”. Tương tự, em Phan Thị Thu Phương (học lớp 12A4) cũng chất vấn: “Em thấy chương trình hướng nghiệp được tổ chức rất nhiều cho học sinh, nhưng trong đợt xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua vẫn có nhiều thí sinh nộp hồ sơ vào những ngành mình không thích. Vậy Bộ GD-ĐT có phương án điều chỉnh nào phù hợp cho kỳ thi sắp tới?”. Với hai vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Cường (chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) nhìn nhận, do chưa có sự chuẩn bị tốt trong khâu kỹ thuật nên kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã để xảy ra những áp lực cho thí sinh trong vấn đề nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ. Tuy nhiên, năm 2016 vẫn chỉ áp dụng một kỳ thi duy nhất cho cả 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét ĐH, CĐ. Hiện Bộ GD-ĐT đang cố gắng điều chỉnh sai sót, xây dựng phương án xét tuyển tốt nhất không để tình trạng tái diễn trong năm 2016. Đã có nhiều phương án được đưa ra và Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu lựa chọn phương án có lợi nhất cho thí sinh. Có thể, trong đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016, các thí sinh sẽ được nộp hồ sơ xét tuyển ngay tại trường THPT hoặc địa phương mình cư trú. Bộ GD-ĐT sẽ sớm đưa ra câu trả lời để yên lòng học sinh lớp 12.

“Tuy nhiên, nói qua cũng phải nói lại. Đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 xảy ra nhiều lộn xộn một phần cũng vì rất nhiều em bằng mọi giá phải vào được ĐH nên vất vả rút hồ sơ nơi này, nộp vào nơi kia, thậm chí chỉ vì muốn vào được ĐH mà bất chấp việc nộp hồ sơ vào ngành mình không thích. Theo tôi, đây là suy nghĩ rất sai lầm! Nếu đã thực sự thích ngành đó thì thí sinh có thể bắt đầu từ những bậc học khác. Khi được học ngành mình yêu thích, các em mới có động lực phấn đấu và học nâng cao ở những bậc học cao hơn”, ông Cường phân tích.

Các em học sinh hào hứng với những trò chơi hướng nghiệp do Ban tổ chức đưa ra

Biển Đông vào đề tài hướng nghiệp

Không chỉ mạnh dạn đặt câu hỏi, học sinh Trường THPT Tân Thông Hội còn chứng tỏ mình là những người có cách nhìn sâu sắc khi đưa ra vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông. Em Đỗ Nhật Hoàng (học sinh lớp 12) băn khoăn: “Ngành ngôn ngữ Trung Quốc cơ hội nghề nghiệp như thế nào? Hiện nay, tình hình biển Đông đang rất gay gắt, liệu có nên thích những ngành liên quan đến ngôn ngữ Trung Quốc hay không?”. Câu hỏi này ngay lập tức nhận được sự tán thành của rất nhiều học sinh tham dự chương trình. Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) khẳng định: Việc của các em là học tập và chọn cho mình ngành nghề phù hợp để góp phần xây dựng đất nước. Nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế không chỉ với các nước trong khu vực mà còn mở rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. Việc nước ta có một đội ngũ lao động trình độ chất lượng cao, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng trên thế giới là rất cần thiết. Khi có đội ngũ lao động chất lượng cao, chúng ta sẽ có khả năng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, nghiên cứu và ứng dụng được nhiều sáng kiến, phát minh về khoa học, công nghệ… Đó mới là cách bảo vệ đất nước thật sự trong tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết thêm, để hội nhập chúng ta không chỉ cần biết một ngoại ngữ là tiếng Anh mà còn phải mở rộng thêm nhiều ngôn ngữ khác. Việc biết thêm tiếng Trung cũng là một lợi thế vì hiện nay các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan đang đầu tư kinh doanh rất nhiều tại Việt Nam, do đó cơ hội việc làm cho nhân lực ngành ngôn ngữ Trung là rất lớn.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Tính hiệu quả của chương trình rất lớn

Trao đổi với chúng tôi, ông Châu Văn Khoăn (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tân Thông Hội) cho biết: “Đây là chương trình hướng nghiệp đầu tiên trường phối hợp cùng các đơn vị bên ngoài tổ chức. Tôi nhận thấy tính hiệu quả thực sự của chương trình. Các thắc mắc, băn khoăn của học sinh đều được Ban tư vấn giải đáp cặn kẽ, tận tình. Dù cuộc sống hiện đại đã có internet để các em truy cập tìm hiểu thông tin nhưng chỉ giải đáp được phần nào. Chính sự tiếp xúc với các thành viên trong Ban tư vấn đã giúp các em sáng tỏ được nhiều vấn đề, lựa chọn đúng nghề nghiệp cho tương lai của mình. Chúng tôi hi vọng sẽ được hợp tác cùng chương trình “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” trong thời gian tới.