Thứ ba, 27/9/2016, 21h56

Sẽ “xóa” phương tiện thu gom rác thô sơ

TP.HCM chỉ có 3.365 thùng rác phù hợp với điều kiện hạ tầng đô thị, còn lại là xe thô sơ. Ảnh: T.Anh

Hầu hết phương tiện thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM cũ kỹ, không phù hợp với hạ tầng đô thị và là “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường.

Theo kết quả khảo sát của Sở TN-MT, hệ thống thu gom rác công lập do các công ty dịch vụ công ích thực hiện chiếm 40% khối lượng chất thải rắn phát sinh thu gom; 60% còn lại là hệ thống tư nhân, kể cả rác dân lập.

Tồn tại hiện nay trong vận chuyển và thu gom, theo ông Lê Trung Tuấn Anh (Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT TP) là phương tiện xe thô sơ (xe lam, ba gác, xe máy kéo thùng) không đảm bảo an toàn giao thông; thùng không nắp đậy làm rơi vãi, rò rỉ nước rác và gây mùi hôi...

TP.HCM có khoảng 1.000 điểm hẹn lấy rác nhưng thường xuyên bị di dời do chất lượng vệ sinh môi trường còn thấp, bố trí trên đường không an toàn, thiếu hệ thống hạ tầng tối thiểu (mạng lưới nước cấp) để xịt rửa ngay sau khi kết thúc hoạt động; 31 trạm trung chuyển đang hoạt động nhưng có đến 13 trạm không có các hạng mục xử lý ô nhiễm…

Các đại biểu tham dự cuộc họp bàn giải pháp đồng bộ thu gom và vận chuyển chất thải sinh hoạt cho TP sáng 27-9 do Sở TN-MT TP.HCM tổ chức thừa nhận, việc phân loại rác tại nguồn lâu nay chưa đạt hiệu quả; lượng rác ngày một nhiều, phát sinh nhiều điểm dọc tuyến gây ô nhiễm, người dân khiếu nại phải liên tục di dời.

Đại diện Công ty Công ích Q.5 than phiền, địa phương không có trạm trung chuyển phải luôn luôn di động do ô nhiễm. Vì vậy cần có phương tiện thu gom và vận chuyển tương thích với điều kiện thực tế.

Nhiều đơn vị cho biết, việc bị dừng lưu thông xe rác hết thời gian khấu hao là khó chấp nhận và nên lấy mốc niên hạn sử dụng xe này là 25 năm. Bởi việc đầu tư mỗi xe ép rác 10 tấn lên đến 3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hùng (Công ty Samco) chia sẻ: Khó khăn nhất hiện nay mà TP.HCM đang vướng là Cục Đăng kiểm không cho phép xe rác có thùng tải cao lưu thông. Trong khi đó, xe có thùng ben thì giới hạn chiều cao ben, không hiệu quả trong vận chuyển. Với quy định hiện nay, Samco chỉ có thể thiết kế xe ép rác ba khối, ưu điểm là di chuyển vào hầm của chung cư.

Theo đó, ông Hùng đề xuất Sở TN-MT và Sở GTVT TP.HCM kiến nghị với Cục Đăng kiểm cho xe tải thùng cao và có ben đổ được phép lưu thông.

Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT thì: “Sở đã từng kiến nghị lên Bộ GTVT nhưng không được chấp thuận và chỉ còn cách “cầu cứu” UBND TP kiến nghị”. 

Ông Tuấn Anh cho biết, thời gian tới Sở TN-MT cùng Công ty Samco sẽ chọn mô hình xe rác tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật và có phản biện từ các đơn vị sử dụng, kể cả phương tiện cho lực lượng rác dân lập.

Ông Anh cũng cho biết, sẽ tham mưu UBND TP xin cơ chế riêng cho TP.HCM về các loại phương tiện vận chuyển rác trên địa bàn.

T.Anh