Thứ bảy, 16/10/2010, 10h10

Mủ trôm, mủ gòn có độc?

Việt Nam là nước nhiệt đới. Khi thời tiết nóng bức, kinh nghiệm dân gian đã biết sử dụng nhiều loại thực vật khác nhau làm nước giải khát, thanh nhiệt. Trong số này, mủ trôm, mủ gòn được ngâm nở trong nước, cho thêm đường là hai loại thức uống được ưa chuộng.

Mủ trôm, mủ gòn (ly thứ hai và ba từ phải sang) tuy không có độc tính nhưng ưu điểm mát và nhuận trường có thể gây ra một số phản ứng phụ. Ảnh: Trung Dũng
Món thức uống cho vị thuốc
Mủ trôm, hay nhựa trôm, là dịch tiết lấy ra từ vỏ thân cây trôm, tên khoa học Sterculia foetida, họ Sterculiaceae. Còn mủ gòn là dịch tiết từ thân cây gòn, tên khoa học Gossampinus malabarica, họ Bombacaceae. Với thành phần năng lượng không đáng kể, mủ trôm, mủ gòn có một số chất khoáng như Ca, K, Mg, Zn, Na và hàm lượng cao chất xơ hoà tan trong nước. Chất xơ có thể trương nở lên gấp từ tám đến mười lần, kết dính cặn bã độc hại trong ruột già, tăng lượng phân, tăng nhu động ruột. Kinh nghiệm dân gian thường sử dụng mủ trôm, mủ gòn đơn độc hoặc kết hợp với một số thực vật khác như hột é, lười ươi để làm thức uống giải khát, giải độc và chống táo bón. Do giàu chất xơ, mủ trôm và mủ gòn còn góp phần cải thiện độ mỡ trong máu, tăng cảm giác no và điều tiết lượng đường trong máu ở người thừa cân, béo phì hoặc đái tháo đường.
Theo đông y, mủ trôm, mủ gòn vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chỉ khát, nhuận tràng vị. Riêng mủ gòn còn có tác dụng lợi tiểu, sát trùng đường tiểu. Trong số những thức uống thanh nhiệt, giải khát thường dùng, mủ trôm được xem là món khá cao cấp với giá thành cao gấp ba hoặc bốn lần so với mủ gòn hoặc hột é. Mủ trôm cũng được xem là một đặc sản trong nước mà nhiều người Việt Nam ở nước ngoài thường mua mang theo.
Sử dụng phải cẩn thận
Tránh tương tác với thuốc
Ngoài giải khát, mủ trôm, mủ gòn có tác dụng như thuốc nên sẽ có những tương tác với một số bệnh lý và một số loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng. Do đó, khi dùng mủ trôm, mủ gòn trong hỗ trợ điều trị cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Riêng với mủ trôm, do có độ nhớt nên sẽ làm tăng nồng độ hấp thu của thuốc vào máu, nếu uống mủ trôm cùng lúc với thuốc. Để tránh tương tác này, nên dùng ít nhất một giờ sau khi uống thuốc.
Thực ra, mủ trôm, mủ gòn không có độc tính. Tuy nhiên, tính mát và nhuận trường, hai ưu điểm của các loại mủ này cũng có thể gây ra một số phản ứng phụ, nếu dùng không cẩn thận.
Trong cơ thể, hai yếu tố âm và dương cần quân bình, mát quá sẽ hoá hàn. Ngay cả người bình thường khoẻ mạnh, lạm dụng thức ăn, thức uống hàn lạnh, làm mất quân bình âm dương lâu ngày cũng có thể dẫn đến bệnh tật. Một số ít người dương khí hậu thiên suy yếu, chỉ cần uống vài hớp nước ướp lạnh, nước đá… đã có thể lập tức hắt hơi, sổ mũi, nói chi uống nhiều mủ trôm, mủ gòn. Sự ẩm thấp hoặc khí lạnh từ dạ dày sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến sức đề kháng. Do đó, uống nhiều mủ trôm, mủ gòn cho đã khát sau khi đi nắng hoặc khi trời quá nóng, có thể dẫn đến cảm lạnh hoặc gây ra những sự cố về tim mạch. Hệ quả này do sự thay đổi nhiệt độ thình lình, làm kích thích hệ thần kinh giao cảm ở dạ dày, tạo ra những phản ứng stress có thể gây nhức đầu, chóng mặt, tình trạng mà đông y gọi là khí nghịch. Sự đầy bụng và phình to nhất thời của dạ dày đẩy hoành cách mô lên cũng tạo áp lực thêm cho quả tim. Do đó, những người có tỳ vị yếu (đường tiêu hoá yếu), ăn kém, hay đầy bụng nên cẩn thận khi dùng mủ trôm, mủ gòn. Những trường hợp này chỉ nên dùng với số lượng nhỏ mỗi lần, chẳng hạn khoảng 10g mủ trôm pha trong một ly nước, không dùng với đá hoặc ướp lạnh để giảm bớt tính hàn.
Đặc biệt phải lưu ý, do tính nhuận trường, phụ nữ có thai không nên dùng mủ trôm, mủ gòn để tránh sẩy thai. Nếu dùng không đủ nước, khi vào dạ dày, mủ trôm, mủ gòn cũng có thể trương nở gây tắc ruột. Ngoài ra, khi mua mủ trôm, mủ gòn, nên chọn loại có nguồn gốc và nhãn mác rõ ràng, cùng những hướng dẫn sử dụng cụ thể. Quá trình ngâm chế, bảo quản cũng phải đảm bảo vệ sinh để tránh nhiễm trùng.
Lương y Võ Hà / SGTT